Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn nạn “tín dụng đen”: Hóa giải bằng cách nào?

Hoàng Lan| 29/03/2019 15:15

Để hạn chế rủi ro và hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn, việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển sẽ góp phần giúp giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.


Đường cùng mới phải tìm đến “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” - những hệ lụy nghiêm trọng như cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, bắt giữ, hành hung “con nợ”, lãi suất cao là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng tại sao nhiều người vẫn tìm đến loại hình này?

Chia sẻ về việc phải đi vay nặng lãi, anh Nguyễn Minh Ngọc, trú tại Gia Lâm, Hà Nội cho hay: “Tôi vay 60 triệu đồng, phải trả lãi 5.000 đồng/1 triệu/ngày. Tính ra mỗi tháng phải trả lãi 9 triệu đồng, tương đương với 180%/năm. Tôi biết mức lãi này rất cao nhưng do cần tiền để nhập hàng gấp nên không còn cách nào khác”.

Trao đổi dưới góc độ nguồn vốn và nhu cầu của người dân, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, gần đây, “tín dụng đen” đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.

Có thể nói, nhu cầu vay vốn trong dân là rất lớn, từ nhu cầu thực sự để chi trả tiền bệnh viện, đóng học phí cho con, tiền vốn để làm ăn nhỏ, chi tiêu… Người dân tìm đến “tín dụng đen” bởi các cánh cửa cho vay chính thức đều đóng lại hoặc họ không thể tiếp cận với các các nguồn vốn này.

Mở "room" cho tín dụng tiêu dùng

Trước thực trạng trên, giới chuyên môn cho rằng, phát triển tín dụng tiêu dùng là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi nạn "tín dụng đen". Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát triển và hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng này, không chỉ cần một hành lang pháp lý thông thoáng, mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính.

Tại buổi giao lưu trực tuyến phát triển tài chính tiêu dùng đẩy lùi “tín dụng đen” mới đây, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần An Bình cho rằng, để mở rộng thị trường tín dụng, giải pháp căn bản phải từ người đi vay, coi người có nhu cầu vay là trọng tâm.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Đỗ Hoài Linh, giảng viên Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cũng chia sẻ: “Cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền và giáo dục nhận thức của người dân về tài chính, nâng cao hiểu biết của họ về các tổ chức cấp tín dụng, dấu hiệu để nhận biết “tín dụng đen”. Trẻ mẫu giáo cũng nên được phổ biến những khái niệm về tiền. Và quan trọng hơn nữa là hình thành nhận thức và ý thức về việc lập kế hoạch và kỷ luật tài chính trước bất kỳ một ý định vay vốn nào”.

TS Đỗ Hoài Linh phát biểu tại tọa đàm Giao lưu trực tuyến mới đây.


TS. Đỗ Hoài Linh cũng nhấn mạnh: “Khi khu vực tín dụng chính thức vững mạnh cả về tài chính lẫn quản trị, thì việc mở rộng mạng lưới theo phương thức truyền thống cũng như phương thức công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính nói chung cũng như tín dụng nói riêng của người dân, từ đó áp lực về “tín dụng đen” sẽ được giảm dần”.

Nhằm khuyến khích tín dụng tiêu dùng phát triển, TS Đỗ Hoài Linh và TS Nguyễn Trí Hiếu đều cho rằng nên mở "room" cho tín dụng tiêu dùng, đồng thời không nên hạn chế khoản vay ở mức 100 triệu đồng như Thông tư 43 quy định.

Thậm chí, TS Đỗ Hoài Linh cho rằng có thể áp dụng tỷ lệ % của vốn tự có của công ty tài chính, tương tự với tỷ lệ quy định giới hạn cấp tín dụng theo quy định hiện hành. Như vậy sẽ phù hợp hơn cả về quản lý an toàn hoạt động của công ty tài chính, cũng như nâng cao tính phù hợp của số tiền tối đa có thể cho vay với nhu cầu của khách hàng. Đồng thời nên mở rộng tín dụng của các công ty tài chính hơn nữa.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tốt hơn khi có nhiều công ty tài chính cạnh tranh với nhau tại nhiều nơi trên toàn quốc, lúc đó người tiêu dùng sẽ nhận được các dịch vụ tốt hơn với giá tốt hơn.

Còn TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng: "Các công ty tài chính đang tập trung ở các thành phố lớn và chưa tới được vùng sâu vùng xa. Tất nhiên, mở chi nhánh là không đủ, họ sẽ phải mở rộng tín dụng hơn, sản phẩm đa dạng hơn. Đi cùng với đó, họ cũng phải tăng cường quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn “tín dụng đen”: Hóa giải bằng cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.