Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp

Hồng Sơn| 15/04/2019 06:20

(HNM) - Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 200.000 hộ gia đình kinh doanh. Thực tế, đã có không ít hộ gia đình chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp và gặt hái thành công; nhưng cũng còn nhiều hộ chưa sẵn sàng, thậm chí e ngại chuyển thành doanh nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.


Gian nan chuyện "lên" doanh nghiệp


Thực tế cho thấy, câu chuyện “lên” doanh nghiệp của các hộ kinh doanh gia đình chưa bao giờ dễ dàng. Trước hết, do quy mô kinh doanh nhỏ, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, gần như hộ kinh doanh gia đình chưa thể đáp ứng các yêu cầu khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Có thể nói, hầu hết các hộ gia đình đều lúng túng trước các vấn đề quan trọng như pháp lý, nghiệp vụ kế toán, quản lý, tin học.

Chị Phạm Thị Hạnh, chủ ki ốt số 41, kinh doanh ngành hàng may mặc tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, gia đình đã bán hàng tại đây hơn 20 năm, việc kinh doanh khá ổn định, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới việc phát triển thành doanh nghiệp. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước hết là vì quy mô hoạt động nhỏ, lại chủ yếu dựa vào nhân lực trong gia đình. Mặt khác, nếu cố gắng “lên” doanh nghiệp thì sẽ “vướng” vào một số yêu cầu mang tính bắt buộc như sổ sách kế toán, mô hình tổ chức và quản lý cũng phức tạp hơn; nhất là sẽ chịu mức thuế cao hơn.

Một tình huống khác, anh Lê Văn Thịnh, chủ Công ty TNHH May mặc Ngọc Thịnh, tại xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) xác nhận: "Công ty mới thành lập năm 2016, trên cơ sở là hộ sản xuất gia đình và hiện có 30 nhân công. Tuy nhiên, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đòi hỏi nhiều vấn đề hơn, ở mức độ cao hơn nên bản thân tôi thấy khó khăn hơn trước. Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh đến nay vẫn diễn ra như lúc trước khi chuyển thành doanh nghiệp, nhưng chi phí vận hành, nghĩa vụ lại tốn kém nhiều hơn...".

Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động, phá sản chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số doanh nghiệp thất bại trong kinh doanh, bởi sức chịu đựng rất hạn chế, đặc biệt là do sự eo hẹp về vốn. Trong đó, nếu gặp khó khăn ngay trong giai đoạn mới gia nhập thị trường thì hầu hết doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng thất bại vì “vốn mỏng”, lại thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm trên thương trường.

Động lực cho bước chuyển của hộ kinh doanh

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, kết quả vận động hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp còn hạn chế; do một số nguyên nhân. Đó là, tâm lý e ngại về thủ tục, sợ gặp phiền hà trong quá trình hoàn thiện hồ sơ; chưa nắm hết thông tin quy định cần thiết; đặc biệt là sợ phải chi phí nhiều hơn khi trở thành doanh nghiệp. Về phía cơ quan chức năng cũng còn một số bất cập trong theo dõi, nắm tình hình, áp dụng nghiệp vụ quản lý đối với các hộ kinh doanh, cơ chế trao đổi thông tin... chưa hiệu quả, chính xác nên ảnh hưởng đến kết quả chung.

Đặc biệt, dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực một năm, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung liên quan đến ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, gây lúng túng cho công tác tuyên truyền, giải thích với các cá nhân, hộ kinh doanh.

Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.


Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có số lượng hộ kinh doanh lớn và đây là nguồn lực không nhỏ để chuyển thành doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Sở đang tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hộ gia đình chuyển thành doanh nghiệp bằng những biện pháp cụ thể như phân công đơn vị, cá nhân hướng dẫn hộ kinh doanh về thủ tục, hồ sơ chuyển thành doanh nghiệp, tư vấn định hướng kinh doanh, hỗ trợ về quy định pháp lý, phần mềm và nghiệp vụ kế toán...

Sở cũng rà soát, thống kê đầy đủ số hộ kinh doanh sử dụng 10 nhân công trở lên để vận động chuyển thành doanh nghiệp. Trường hợp không thực hiện, đề nghị UBND quận, huyện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký của hộ kinh doanh. Theo ông Quyền, có những hộ thực tế hoạt động như doanh nghiệp, có quy mô và doanh thu khá lớn, nhưng chưa tự giác chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Trên thực tế, mỗi năm Hà Nội có thêm từ 25.000 đến 26.000 doanh nghiệp thành lập mới; nhưng trong đó số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp rất ít. Kết quả chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2020.

Năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác vận động, khuyến khích khởi nghiệp, phấn đấu nâng cao kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ việc ra đời và hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh, trong đó nhấn mạnh vào những điều kiện thuận lợi, lợi ích hộ gia đình sẽ nhận được khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, như khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn, thuận tiện trong giao dịch, ký kết hợp đồng, tìm đối tác và khách hàng, dễ hợp tác cũng như tìm nguồn tài trợ, thay đổi công nghệ sản xuất...

Từ góc độ khác, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích, động viên hộ gia đình chuyển thành doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đôn đốc họ sớm tự giác thành lập doanh nghiệp khi đã đủ điều kiện, tránh tình trạng né tránh. Một số hộ vẫn muốn kéo dài những “lợi thế” tạm thời về thuế, cung cách quản lý đơn giản, chi phí vận hành thấp; nhất là có thể né được cả nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động mà trì hoãn quá trình chuyển đổi... Ở đây cần có cả chế tài đủ mạnh và hợp lý để ngày càng có nhiều hộ gia đình chủ động phát triển thành doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.