Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn hóa hệ thống định mức và đơn giá xây dựng

Dạ Khánh| 20/06/2019 07:53

(HNM) - Là căn cứ để lập dự trù chi phí xây dựng áp dụng trong các công trình có vốn ngân sách, vốn vay, nhưng đến nay nhiều đơn giá, định mức xây dựng tại Việt Nam đã trở nên lạc hậu, gây thất thoát, đội vốn…

Theo Bộ Xây dựng, cả nước có khoảng 20.000 định mức xây dựng. Mặc dù đây là con số khá đồ sộ song còn nhiều hạn chế như: Quản lý định mức và đơn giá xây dựng còn mang tính bao cấp; các công nghệ lạc hậu vẫn cho "thực thanh, thực chi" dẫn đến tăng chi phí dự án; nguyên tắc xác định các đơn giá: Định mức, máy, vật liệu, nhân công chưa phù hợp,...

Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng sẽ cơ bản hoàn thiện trong năm 2020.
Ảnh: Linh Ngọc


Ông Lê Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Tập đoàn Hòa Bình cho biết, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng trong thực tế, song lại chưa được điều chỉnh trong quy định hiện hành. Cụ thể, có 70-80% dự án của doanh nghiệp đã sử dụng cốp pha nhôm với nhiều ưu điểm: Chất lượng tốt, tốc độ thi công nhanh hơn, tiết kiệm 30-40% nhân công.

Tuy nhiên, cốp pha nhôm, bê tông mác cao, thép cường độ cao... đều không có trong hệ thống định mức, đơn giá. Do đó, khi thanh toán cần có đơn vị thẩm tra độc lập, nhưng chính đơn vị này cũng chưa có kinh nghiệm...

Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu cho hay, nhiều đơn giá, định mức hiện quá cao, hoặc quá thấp so với thực tế khiến các nhà thầu vận dụng tính toán rất khó khăn. Ví dụ, đơn giá nhân công làm trần thạch cao theo quy định là 170.000-200.000 đồng/m2, nhưng thực tế cả công và vật liệu cũng chỉ 200.000 đồng/m2...

Ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, chính hệ thống định mức lạc hậu, chưa đầy đủ, không theo kịp sự phát triển của ngành, thậm chí nhiều định mức bất hợp lý đã dẫn đến tình trạng chủ đầu tư, doanh nghiệp vận dụng tùy tiện, chọn áp mức cao nhất để lập dự toán, khiến công trình đội vốn so với giá trị thực.

Nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, ngày 18-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống định mức hiện có để khắc phục tồn tại. Đồng thời, đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng theo định hướng chuyển đổi cơ chế quản lý từ Nhà nước công bố để tham khảo, sang Nhà nước ban hành áp dụng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhận định, đề án này được triển khai thời gian qua có ý nghĩa rất lớn trong quản lý đầu tư xây dựng. Lợi ích lớn nhất là nâng cao quản lý đầu tư các dự án công, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Thực hiện đề án, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát định mức xây dựng. Riêng Bộ Xây dựng đã rà soát 14.738/14.738 định mức xây dựng, loại bỏ 1.005 định mức, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.120 định mức.

Bộ Xây dựng cũng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành soạn thảo 2 nghị định thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. 2 dự thảo nghị định này đang trình Thủ tướng Chính phủ, khi được ban hành sẽ giúp quản lý đầu tư xây dựng tốt hơn, nhất là các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách.

Hoàn thiện đề án, Bộ Xây dựng cũng đề xuất phương pháp xác định định mức xây dựng mới theo hướng chuyển từ định mức dự toán hiện nay sang định mức cơ sở (định mức năng suất). Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh cho biết: "Định mức cơ sở chú trọng công tác điều tra thực tiễn trên cơ sở phân tích dữ liệu, xác định định mức phù hợp với thực tiễn về công nghệ, điều kiện thực hiện, mặt bằng năng suất…".

Đây sẽ là căn cứ để lập dự toán, dựa vào đó xác định giá gói thầu sát với thực tế nhất, để khi đấu thầu, không bị vỡ thầu, không gây thất thoát lãng phí các dự án đầu tư công. Phương pháp này đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến các bộ, ngành, đại diện các hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu…

Theo kế hoạch, Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng sẽ cơ bản hoàn thiện trong năm 2020. Khối lượng công việc còn rất lớn, do vậy Bộ Xây dựng rất cần sự phối hợp triển khai hiệu quả của các bộ quản lý chuyên ngành và các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn hóa hệ thống định mức và đơn giá xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.