Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nhân lực sở hữu trí tuệ: Chưa coi trọng đúng mức

Khánh Vũ| 02/07/2019 07:57

(HNM) - Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đạt yêu cầu tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), song tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ vẫn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng đúng mức.

Tổng công ty May 10 là một trong những đơn vị chú trọng đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài.           Ảnh: Bá Hoạt

Thiếu nhân lực có chuyên môn sâu

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ, một doanh nghiệp có thể tốn nhiều chi phí thuê nhân viên bảo vệ để trông coi nhà xưởng, nhằm bảo toàn tài sản hữu hình. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lơ là, không đánh giá đúng mức sự cần thiết phải có nhân lực quản lý sở hữu trí tuệ để bảo vệ tài sản vô hình là thương hiệu, chất xám.., thì có thể phải đối mặt với nguy cơ phá sản, do bị mất thương hiệu và bị hàng giả cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thanh Ngân, Ban Kỹ thuật đầu tư, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan trong thị trường dệt may, chính là sự hạn chế về trình độ của nhân lực trong bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện tại, tập đoàn và các đơn vị thành viên có 266 nhãn hiệu đã đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký bảo hộ. Các đơn đăng ký nhãn hiệu chủ yếu tập trung vào logo của đơn vị, sản phẩm may mặc và phần lớn tại thị trường trong nước; chỉ một số ít nhãn hiệu được đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài như: Phong Phú, Việt Tiến, May 10… Đây là các nhãn hiệu phải đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái gay gắt.

Còn bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các doanh nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và nhiều cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý các vi phạm lĩnh vực sở hữu trí tuệ, kể cả lực lượng công an, viện kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân các cấp. “Rất ít kiểm sát viên hay thẩm phán có chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, trong thời gian qua, số vụ vi phạm về lĩnh vực này đưa ra xét xử hầu như không đáng kể”, bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết thêm.

Theo ông Trần Văn Hải, Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trên thực tế, số sinh viên cũng như số trường đại học đào tạo về lĩnh vực sở hữu trí tuệ không nhiều. Khoa Khoa học quản lý của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hiện là đơn vị đầu tiên dự kiến đào tạo bậc thạc sĩ chuyên ngành này vào năm 2020. Như vậy, phải ít nhất từ 3 đến 4 năm nữa mới có nhân lực trình độ thạc sĩ về sở hữu trí tuệ.

Kỹ năng thực hành còn yếu

Bảo hộ sở hữu trí tuệ đang đặt ra những vấn đề ngày càng gay gắt và cấp bách. Vì vậy, việc xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng.

Cùng với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những cử nhân này mới chỉ được đào tạo chuyên sâu về lý thuyết thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, còn kỹ năng thực hành cho sinh viên vẫn là điểm yếu nhất của các trường đại học hiện nay.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp, dù đã được nghiên cứu, giảng dạy tại nhà trường, nhưng các hoạt động gắn kết giữa hai lĩnh vực này còn đơn lẻ và chưa được cộng đồng khởi nghiệp đón nhận, do quá mới mẻ. “Chúng tôi mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể đưa nội dung sở hữu trí tuệ đến với các trường đại học và xây dựng lực lượng giảng viên nguồn về sở hữu trí tuệ”, bà Lê Thị Thu Thủy bày tỏ.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các chương trình đào tạo trong các trường đại học, cần phải có những chương trình đào tạo được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, các chương trình đó cần nhanh chóng xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ, phục vụ nghiên cứu khoa học, các hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, thực thi quyền sở hữu trí tuệ...

Trong năm 2019 này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ lập kế hoạch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các thành viên Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (Dự án TISC), để có đủ kỹ năng về hoạt động sở hữu trí tuệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp cho các viện, trường đại học tăng cường năng lực về đào tạo cũng như thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đến thời điểm này, Cục Sở hữu trí tuệ đã mời được 35 thành viên tham gia mạng lưới TISC của Việt Nam, trong đó có Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và nhiều viện, trường khác trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực sở hữu trí tuệ: Chưa coi trọng đúng mức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.