Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm

Linh Nhi - Hoài Thanh| 18/07/2019 07:57

(HNM) - Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc trong xã hội bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng cũng như làm mất uy tín của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính... Vậy giải pháp nào ngăn chặn hiệu quả thực trạng này? Phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn một số cán bộ và người dân, góp phần tìm câu trả lời cho vấn đề.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái.

Ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội:
Tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm vi phạm

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 3.017 vụ việc, xử phạt hành chính hơn 34 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 15.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu hàng hóa Nike, Uniqlo, Adidas… 

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giảm các hành vi vi phạm trong sản xuất - kinh doanh, thời gian tới, Cục tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực như: Sản xuất, kinh doanh rượu; hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm... Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, hóa chất, khí N2O (bóng cười), hàng hóa tiêu dùng nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… 

Chị Nguyễn Thị My, kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm):
Đại lý, cửa hàng không được nhập sản phẩm không rõ nguồn gốc

Tình trạng sản xuất hàng giả, nhái nhãn mác, kiểu dáng là thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Trước tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra phức tạp như hiện nay, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng, cần tẩy chay hàng giả, không vì ham rẻ mà mua những sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ngược lại, chủ các đại lý, cửa hàng không nên nhập những mặt hàng không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm, chính sách và xây dựng được thương hiệu hàng hóa để tạo niềm tin với người tiêu dùng. 

Là người kinh doanh, quan điểm của tôi là không nhập hàng giả, hàng nhái; đồng thời, chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình.

Ông Đoàn Văn Oánh, thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ): 
Chủ động thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm

Qua truyền thông, tôi thấy hầu như ngày nào cũng có thông tin về việc phát hiện những vụ kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Để hạn chế tình trạng này, theo tôi, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, giữa các cơ quan chức năng như: Công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành... cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để có thêm thông tin nhằm dễ phát hiện hàng giả, hàng nhái... Doanh nghiệp không buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi công tác chống hàng giả là việc riêng của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động thông báo với cơ quan chức năng và thực hiện các quy định để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chị Nguyễn Thanh Huyền, phường Quán Thánh (quận Ba Đình):
Mỗi người cần tự nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm

Hầu hết sản phẩm của hãng có uy tín, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; đồng thời làm mất uy tín của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm. Điều khiến tôi cũng như các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng bức xúc nhất là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn, thông qua nhiều "chiêu thức" như “đánh” vào tâm lý khách hàng bằng cách bán hàng giảm giá, tặng quà... Nhiều loại hàng giả như bếp ga, lò vi sóng, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt... dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng vì các thông số kỹ thuật không bảo đảm... 

Theo tôi, cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của bản thân mà còn góp phần chống lại hành vi gian lận, phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.