Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại lý thuế: Thiếu cả “lượng” và “chất”

Vân Nga| 30/07/2019 07:38

(HNM) - Đại lý thuế được ví như "cánh tay nối dài" của cơ quan thuế với vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện. Tuy nhiên, hiện số lượng và chất lượng đại lý thuế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, hiện cả nước có 567 đại lý thuế được cấp phép đủ điều kiện hoạt động ở 42 tỉnh, thành phố, tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Còn 21 tỉnh, thành phố chưa có đại lý thuế. Trong khi đó, theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, mục tiêu phát triển giai đoạn 2011-2015 phải có 3.000 đại lý thuế, đến năm 2020 tăng lên 8.000 đại lý thuế. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020 sẽ có 10% - tương đương 70.000 doanh nghiệp khai thuế qua đại lý thuế. Tuy nhiên, thống kê của Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho thấy, hiện mới có khoảng 2.000-3.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, hiện số lượng và chất lượng dịch vụ của các đại lý chưa đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thuế và kế toán của người nộp thuế.

Bà Lê Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong tổng số 4.710 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, chỉ có 30% (1.361 người) đang hoạt động trong các doanh nghiệp đại lý thuế; còn lại chứng chỉ... "cất trong tủ". Sở dĩ có tình trạng này là do số doanh nghiệp đại lý thuế, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế còn rất khiêm tốn. Các đại lý thuế đang hoạt động khá độc lập, chưa thực sự gắn kết, gắn trách nhiệm của mình với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chưa tin tưởng sử dụng dịch vụ đại lý thuế. Bên cạnh đó, các đại lý thuế chưa quan tâm đúng mức hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu.

Về phía đại lý thuế, bà Phạm Thị Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, lý do doanh nghiệp nộp thuế chưa sử dụng dịch vụ đại lý thuế là bởi chưa nắm được chức năng của đại lý thuế, cũng như chưa hiểu biết về quyền lợi khi ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thuế. Hơn nữa, các doanh nghiệp đều có hệ thống kế toán, trong đó kế toán đã được trả lương nên phải bảo đảm việc kê khai nghĩa vụ thuế...

Đánh giá về những lợi ích, theo ông Ngô Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Duy Hưng (quận Ba Đình, Hà Nội, doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng giấy), qua nhiều năm sử dụng dịch vụ đại lý thuế, công ty rất yên tâm và tin tưởng trong việc thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công ty không phải mất thời gian và nhân lực vào việc thực hiện thủ tục kê khai, nộp, hoàn thuế… Bởi, đại lý thuế có trách nhiệm trong việc kê khai tình hình nộp thuế và các vấn đề liên quan của doanh nghiệp trước cơ quan thuế.

Trao đổi thêm về việc này, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, các đại lý thuế phải chủ động tự nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt là phải giữ được đạo đức nghề nghiệp khi tư vấn thuế cho doanh nghiệp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về thuế, không tư vấn doanh nghiệp trốn thuế, né thuế...

Hiện, toàn ngành Thuế có khoảng 43.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong khi cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bao gồm 520.000 doanh nghiệp siêu nhỏ. Việc chấp hành tốt pháp luật về thuế có vai trò đặc biệt quan trọng, vì vậy hệ thống đại lý thuế đang được tạo điều kiện phát triển để hỗ trợ cơ quan thuế và doanh nghiệp nộp thuế. Đây cũng là điểm được nhấn mạnh trong Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020), với quy định về mở rộng quyền của người nộp thuế và đại lý thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại lý thuế: Thiếu cả “lượng” và “chất”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.