Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động nguồn cung thịt sạch

Tuệ Diễm| 02/08/2019 08:01

(HNM) - Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên cả nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh bảo đảm nguồn thịt lợn sạch, tươi sống cung ứng cho người dân trong mọi trường hợp. Nhiều mặt hàng như thịt gia cầm, trứng, rau cũng được tăng cường để bổ sung thực phẩm thay thế lượng thịt lợn thiếu hụt.

Cung cấp thịt lợn sạch cho người dân tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.

Xây dựng phương án ứng phó dịch bệnh

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Hồ Chí Minh, đến hết tháng 7-2019, toàn thành phố đã có 163 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đã tiêu hủy khoảng 2.000 con lợn bệnh. Các ban, ngành chức năng của thành phố đã làm tốt công tác khoanh vùng, tiêu hủy lợn bệnh đúng cách, không để dịch lan rộng.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thịt lợn sạch nhập vào thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu từ các trang trại lớn và các địa phương lân cận, nên số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tại các hộ chăn nuôi không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường.

Trước thực trạng 62/63 tỉnh thành phố trên cả nước đã có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị tiêu hủy lên tới hơn 4 triệu con, thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Cụ thể, thực hiện cùng lúc 3 phương án: Trữ đông thịt lợn sạch trong nước; tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài và tìm nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn. Hiện UBND thành phố đã giao Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện cùng lúc 3 phương án này.

Với thịt lợn sạch trong nước, Sở Công Thương và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã có phương án chi tiết, đó là: Phải bảo đảm cung ứng 106,5 tấn thịt lợn/ngày đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cụ thể, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) thu mua, giết mổ, bảo đảm bình quân 65 tấn thịt lợn/ngày; thu mua dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày. Hiện đơn vị đã triển khai tăng lượng thu mua thêm 500-600 con lợn/ngày, nâng tổng lượng giết mổ mỗi ngày lên 1.600-1.800 con. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung ứng bình quân 7,5 tấn thịt lợn/ngày. Còn Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI) không phân phối trực tiếp nhưng cung cấp lợn hơi, lợn giống và lợn nái. 

Về thịt lợn nhập khẩu, theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, có gần 5.700 tấn thịt lợn được nhập về thành phố, tăng khoảng 4.800 tấn so với cùng kỳ năm 2018. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố đã có nhiều biện pháp khác nhau nhằm giảm việc phụ thuộc vào nguồn cung thịt lợn trong nước...”.

Tuy nhiên, thịt lợn đông lạnh nhập về chỉ để bảo đảm nguồn thịt cho chế biến như thịt hộp, thịt xông khói, chả, giò, xúc xích. Trong khi đó, người dân thành phố vẫn tin dùng thịt lợn tươi. Theo Sở Công Thương, hiện nguồn cung thịt lợn bình ổn thị trường thành phố đạt gần 4.100 tấn/tháng, bảo đảm đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. 

Thêm nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn

Trước lo ngại sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn sạch vào dịp cuối năm do tổng đàn lợn cả nước suy giảm nhiều, các ban, ngành chức năng cùng nhiều doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm khác và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng thay thế thịt lợn. Hiện tại, lượng tiêu thụ thịt bò, thịt gia cầm, hải sản tại thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch cung ứng, tăng đàn để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân cho biết: “Mỗi ngày công ty cung cấp ra thị trường thành phố Hồ Chí Minh hơn 15.000 con gà, tăng 10% so với trước đây. Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục được thành phố chọn để bán hàng bình ổn giá nên đã lên kế hoạch mở rộng chăn nuôi, tăng đàn để có đủ số lượng gia cầm đáp ứng thị trường mà không tăng giá bán”.

Còn đại diện Công ty TNHH San Hà cho biết, đơn vị này có kho lạnh với sức chứa 500 tấn thịt gà, đồng thời chủ động thuê 2 kho lạnh khác với sức chứa 1.000 tấn tại Bình Điền (huyện Bình Chánh) và Cần Giuộc (tỉnh Long An) để phục vụ dự trữ hàng. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op cũng dự trữ khoảng 110 tấn thịt, chủ yếu là thịt gà đông lạnh, giá bán dự kiến rẻ hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. 

Riêng mặt hàng thịt bò, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 10,3% mức tiêu thụ so với cùng kỳ năm 2018. UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển giống bò thịt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, thành phố tiếp tục lựa chọn đàn bò cái lai Sind và bò lai hướng thịt có trọng lượng từ 280kg/con trở lên và bò sữa có năng suất sữa thấp (dưới 5.000kg/con/chu kỳ 305 ngày), nhưng có khả năng sinh sản tốt, để mở rộng chăn nuôi tại các trang trại, nông hộ, tăng nguồn cung thịt bò chất lượng tốt cho thị trường. Với các giải pháp trên, thành phố Hồ Chí Minh có thể chủ động được nguồn cung thịt sạch cũng như các thực phẩm thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động nguồn cung thịt sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.