Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động M&A tại Việt Nam

Tuệ Diễm| 06/08/2019 16:37

(HNMO) - Ngày 6-8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 11 năm 2019. Diễn đàn thu hút 26 diễn giả và 500 lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế tham dự.

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Thay đổi để bứt phá”, cập nhật những chính sách mới của Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi cho hoạt động M&A, cũng như việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA...

Các diễn giả cập nhật thông tin về cơ hội đầu tư tại Việt Nam thông qua hoạt động M&A.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chính phủ đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, cũng như thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị Đề án “Định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ đa dạng hóa hình thức mua bán và sáp nhập, nghiên cứu thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới. Những yếu tố tích cực này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2019, thị trường M&A Việt Nam diễn ra sôi động với các hoạt động mua bán, sáp nhập liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản. Điển hình có các thương vụ như: Saigon Co.op mua lại chuỗi siêu thị Auchan, SK group (Hàn Quốc) mua cổ phiếu của Vingroup, Hòa Bình bán cổ phiếu cho Hyundai Elevator...

Hoạt động M&A thời gian qua đã giúp nhiều nhà đầu tư nước ngoài sở hữu được các doanh nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam khi Nhà nước tham gia thoái vốn như Sabeco, Vinamilk. Đây là những tín hiệu tích cực để tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhằm khuyến khích nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.

Nếu năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới đạt 1,1 tỷ USD thì đến năm 2018, theo thống kê của diễn đàn M&A Việt Nam, con số này đã vượt mốc 10,2 tỷ USD. Tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập trong thập kỷ qua đạt 55 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động M&A tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.