Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường chống gian lận qua thương mại điện tử

Thanh Hiền| 04/09/2019 07:19

(HNM) - Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng tinh vi, trở thành mối nguy hại cho sự phát triển của nền kinh tế. Để việc đấu tranh chống gian lận thương mại đạt hiệu quả, các đơn vị cần thực hiện nghiêm, phối hợp đồng bộ trong kiểm tra, xử lý những mặt hàng không rõ xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; khẩn trương khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này.

Người tiêu dùng mua hàng qua một sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thái Hiền

Vẫn nhiều vi phạm xảy ra

Chị Nguyễn Thu Hà (số 32/7 phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng), một "tín đồ" mua hàng online (trực tuyến) chia sẻ, một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook quảng cáo "giảm giá 50% cho tất cả nhãn hàng" nên chị đã đặt mua một vài sản phẩm trị giá hơn 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng chị mới phát hiện sản phẩm không có tem chống hàng giả, các đặc điểm nhận dạng sản phẩm đều khác hàng “xịn”. Sau đó, chị Hà đã liên hệ với chủ hàng thì không thể kết nối. Trường hợp như chị Hà hiện không còn là chuyện hiếm.

Hiện nay, nhiều loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng đang được rao bán tràn lan trên mạng. Các sản phẩm này có nhiều hình thức khác nhau, trong đó các thương hiệu mỹ phẩm càng nổi tiếng bị làm giả càng nhiều. Bà Lê Mai Thi, Trưởng phòng Bảo vệ thương hiệu, Phòng Truyền thông và đối ngoại Công ty L’Oreal Việt Nam cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan vừa bắt giữ nguồn hàng giả tại Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), thu giữ 2 container hàng giả các thương hiệu quốc tế và Việt Nam (túi xách, mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm...).

Đại diện Công ty L’Oreal Việt Nam xác nhận, toàn bộ hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm bị tạm giữ thuộc các thương hiệu Lancome, Yves Saint Laurent, Kielh’s, Giorgio Armani, Ralph Lauren, 3CE đều là hàng giả. Đặc biệt, tất cả sản phẩm này đều được tìm thấy trên các trang bán hàng online là hàng xách tay và tại cửa hàng mỹ phẩm xách tay trên phạm vi cả nước. Số lượng hàng khổng lồ này do 2 cửa hàng đặt tại Quảng Ninh quản lý và phân phối tại Việt Nam.

Theo bà Lê Mai Thi, các sản phẩm làm giả đội lốt hàng xách tay này có bao bì đóng gói giống hàng thật, chỉ phát hiện là hàng giả khi mở sản phẩm kiểm tra, hoặc sử dụng. Giá các sản phẩm này được bán tại cửa hàng biên giới chỉ bằng 1/3 đến 1/4 giá bán trên các trang mạng, hay giá bán tại các cửa hàng mỹ phẩm xách tay.

Ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho rằng, với đặc thù người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như giới thiệu về cả mẫu mã và chất lượng. Trong trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo, người mua đã thanh toán tiền trước, thì phần thiệt luôn là người mua và rất khó xử lý. Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng.

Tập trung khắc phục những bất cập

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cho biết, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thường được các đối tượng nhập lậu và cất giữ tại kho bãi, phân tán nhỏ để tiêu thụ theo cách truyền thống (giao nhận) hoặc bán hàng online. Đối với hình thức kinh doanh online, do thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ; thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể, nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. 

Chia sẻ thêm về việc này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận cao nên người sản xuất, kinh doanh không từ bỏ; trong khi một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng chuộng hàng ngoại giá rẻ đã góp phần tạo điều kiện cho hàng giả có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Về giải pháp, theo ông Trần Hữu Linh, các đơn vị cần thực hiện nghiêm, phối hợp đồng bộ trong việc kiểm tra, xử lý những mặt hàng không rõ xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; không để các chủ thể thương mại điện tử phát triển tràn lan...

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo, trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm là Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế phải chủ động rà soát để có biện pháp bổ sung, điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (ngày 16-5-2013) về thương mại điện tử. Qua đó khắc phục các bất cập hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thực tế phát triển của thương mại điện tử, đặc biệt gắn trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tập trung rà soát các quy định pháp luật liên quan như an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu đối chiếu với các cam kết hội nhập quốc tế để đề xuất chương trình và kế hoạch chống gian lận thương mại, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử; phối hợp với các ngành liên quan nhằm thống nhất cách thức quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, quản lý chống thất thu thuế và trục lợi. Tổng cục Quản lý thị trường phải đánh giá được thực trạng, qua đó đề xuất kế hoạch chống gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử...

Với cách làm trên, hy vọng thời gian tới việc chống gian lận qua thương mại điện tử sẽ đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường chống gian lận qua thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.