Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá thịt lợn tăng cao: Đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường

Ngọc Quỳnh| 17/10/2019 06:20

(HNM) - Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước đang tăng từng ngày, khiến cả người mua và người bán đều “chóng mặt”. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra nhằm bình ổn thị trường.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các hộ dân chỉ nên tái đàn ở những cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và chuyển sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc nhằm bù đắp lượng thực phẩm, đặc biệt vào dịp cuối năm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý.

Các cơ quan quản lý, các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ sự ổn định của thị trường, tránh tình trạng “sốt giá” thịt lợn cục bộ. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thịt lợn tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Khuê Diệp

Cung giảm - cầu tăng: Giá tăng

Sau một thời gian dài giữ ổn định ở mốc 45.000-50.000 đồng/kg, những ngày đầu tháng 10-2019, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã tăng mạnh, thậm chí tăng từng ngày. Đến ngày 16-10, giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố miền Bắc đã lên tới hơn 60.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, trang trại của gia đình đang nuôi 100 con lợn, mỗi ngày xuất chuồng từ 5 đến 10 con với giá từ 62.000 đồng/kg đến 64.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tháng 9. Mặc dù giá lợn tăng cao, nhưng các trang trại cũng như hộ chăn nuôi không có lợn để bán...

Trong khi đó, theo các tiểu thương, với đà tăng giá như hiện nay, cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước vào dịp cuối năm, giá lợn hơi có thể lên tới hơn 70.000 đồng/kg. Đây sẽ là mức giá kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Theo bà Nguyễn Thị Bích, chuyên kinh doanh thịt lợn ở chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông), giá thịt lợn tăng từng ngày, khiến người kinh doanh cũng "chóng mặt".

Thị trường "khát" nguồn cung thịt lợn, song không ít hộ chăn nuôi dù có lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng vẫn “găm lại” chưa bán, chờ giá lên cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn cũng không xuất chuồng với số lượng lớn như trước.

Ông Ngô Văn Mạnh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết: “Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày gia đình xuất bán khoảng 6-10 con lợn. Đến nay vẫn còn vài chục con, dù ngày nào cũng có thương lái đến hỏi mua, nhưng tôi vẫn muốn nuôi thêm khoảng 1-2 tuần, vừa để tăng trọng lượng, vừa chờ giá lên cao”.

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng, kéo theo giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ tăng mạnh. Hiện, ở các chợ của Hà Nội, giá thịt lợn dao động từ 110.000 đến 130.000 đồng/kg tùy loại. Riêng sườn non, thịt ba chỉ giá đã "leo" mốc 150.000-160.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000-60.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, hiện giá lợn hơi đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Nguyên nhân là bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tâm lý người dân còn e ngại tái đàn vì chưa đủ điều kiện để chăn nuôi an toàn, dẫn tới cung - cầu mất cân đối.

Cũng về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã dẫn đến việc phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn (giảm 8% tổng đàn) nên sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018.

“Thực tế, có những hộ chăn nuôi thấy giá lợn tăng cao đã tái đàn, nhưng bị nhiễm dịch bệnh trở lại. Chỉ những trang trại chăn nuôi lợn tự chủ về con giống mới tiếp tục nuôi nên giá thịt lợn trong thời gian tới vẫn duy trì ở mức cao. Mặt khác, việc các doanh nghiệp Trung Quốc nhập thịt lợn với giá cao cũng tạo thêm áp lực cho thị trường trong nước” - ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm.

Chủ động nguồn thực phẩm để ổn định cung - cầu

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cuối năm cho thị trường Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: "Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của Hà Nội vào khoảng 18.594 tấn/ngày, vào những tháng cuối năm có thể tăng lên 20%. Để không xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu: Các địa phương khuyến khích người dân chăn nuôi an toàn sinh học để có thể tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch. Đồng thời, tiếp tục theo dõi thị trường sản phẩm chăn nuôi để chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu thực phẩm cuối năm của người tiêu dùng Thủ đô".

Trang trại nuôi lợn sạch tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt

Nhận định sẽ không thiếu nguồn cung thực phẩm - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng: Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế, giảm phát sinh ở các hộ chăn nuôi, số lợn tiêu hủy cũng giảm. Trong khi đó, tổng đàn lợn cả nước vẫn còn 25 triệu con (đàn nái sinh sản khoảng 3 triệu con).

Và, trong 9 tháng qua, để bù đắp nguồn cung, các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 14 nghìn tấn thịt lợn. Cùng với đó là thực hiện chuyển đổi, gia tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy cầm nên sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác so với cùng kỳ năm 2018 đều tăng mạnh, như: Thịt trâu đạt 70,1 nghìn tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264,9 nghìn tấn tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931,4 nghìn tấn, tăng 13,5%... Do đó vẫn có thể chủ động được nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: "Số lợn còn lại hiện nay đều do các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và an toàn sinh học nắm giữ. Do đó, khi lợn đến kỳ xuất chuồng, chúng ta cần tính đến giải pháp thu mua lợn sạch, cấp đông, để khi nguồn cung giảm sẽ cung cấp ra thị trường. Đây là giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương có phương án tái đàn phù hợp ở những trang trại đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm để ổn định tình hình chăn nuôi".

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT nắm sát các thông tin về sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có phương án bình ổn thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung, chủ động đưa mặt hàng thịt lợn vào kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Với những diễn biến như hiện nay, việc bình ổn giá thịt lợn có vai trò rất quan trọng. Đồng bộ các giải pháp sẽ giữ sự ổn định cho thị trường, tránh tình trạng “sốt giá” cục bộ, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân...

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung - cầu thịt lợn. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung - cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước). Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá thịt lợn tăng cao: Đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.