Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu điều chỉnh tăng giá nước sạch: Việc làm cần thiết!

Dạ Khánh - Thanh Nga| 30/10/2019 06:36

(HNM) - Chi phí đầu tư dự án lớn song tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng thấp là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mạng lưới cấp nước ở Hà Nội, đặc biệt ở khu vực nông thôn đang chịu lỗ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, việc nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch là cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Thi công hệ thống dẫn nước sạch tại địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Linh Ngọc

Thời gian qua, việc cung cấp nước sạch cho nhân dân được thành phố hết sức quan tâm. Qua đó, số lượng người dân dùng nước sạch tăng nhanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), hiện tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của thành phố đạt 1.520.000m3/ngày-đêm, tăng 169% so với năm 2016. Tỷ lệ người dân khu vực đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 65% (tăng 27,8% so với năm 2016).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại phiên giải trình về cung cấp nước sạch do HĐND thành phố tổ chức đầu tháng 9-2019, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được thẳng thắn nhìn nhận; trong đó có những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách.

Ông Phạm Đình Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội - đơn vị triển khai dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 14 xã, 1 thị trấn của huyện Hoài Đức cho biết, dự án được công ty triển khai năm 2018 với quy mô khoảng 30.000 hộ. Đến nay, nước sạch của dự án đã cung cấp đến nhiều xã, song tỷ lệ người dân đăng ký sử dụng nước chưa nhiều, mức sử dụng thấp. Vì vậy, công ty đang chịu lỗ do chi phí phân bổ cho 1m3 nước sạch rất lớn, trung bình khoảng 13.780 đồng/m3; trong khi giá bán nước bình quân chỉ 7.044 đồng/m3.

Tại các dự án do liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện với tổng cộng 125 xã của các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa..., dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng hiện mới triển khai được 2/125 xã. Việc chậm triển khai, bên cạnh nguồn cung nước sạch chưa phủ tới, còn do phạm vi dự án trải dài, mật độ dân cư thưa, nên chi phí đầu tư khá lớn. Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống cho biết: Với nhiều xã, suất đầu tư lên hơn 35 triệu đồng/hộ. Trong khi giá nước bán ra theo quy định thấp hơn so với chi phí đầu tư.

Trước những vướng mắc trên, thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn Hà Nội, ngày 8-10-2019, UBND thành phố đã ban hành Văn bản 4450/UBND-ĐT giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, trong đó, Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá cho người dân khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), đây không phải lần đầu việc nghiên cứu điều chỉnh giá nước sạch được thành phố đề cập. Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 19-9- 2013. Theo đó, giá nước sinh hoạt được điều chỉnh tăng dần từ năm 2013 đến năm 2015 và được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay.

Tuy nhiên, quyết định trên ra đời trong bối cảnh nguồn cung nước sạch của Hà Nội còn khan hiếm. Vì vậy, việc tính giá sử dụng nước theo bậc thang để người dân có ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Với mức giá này, với 10m3 đầu tiên, nhà đầu tư đang chịu lỗ; từ 10m3 trở lên mới bảo đảm cân đối đầu tư và có lãi. “Tại khu vực đô thị, hầu hết các hộ sử dụng đều trên 10m3/tháng. Song tại khu vực nông thôn sử dụng rất ít, thường thấp hơn 10m3/tháng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo sát quá trình triển khai các dự án, từ cuối năm 2018, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Tại Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 1-3-2019 về tăng cường chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố năm 2019, nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 73-75%, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan rà soát Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND, đề xuất, báo cáo UBND thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn, hỗ trợ tiêu thụ khu vực các xã ngoại thành...

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin: Đến nay, Sở Tài chính chưa trình UBND thành phố phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn. Liên ngành thành phố vẫn đang rà soát một số nội dung, sau đó sẽ báo cáo phương án cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu điều chỉnh tăng giá nước sạch: Việc làm cần thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.