Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các quy định trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh: Khắc phục sự chồng chéo giữa các luật

Hồng Sơn| 07/11/2019 06:32

(HNM) - Hiện nay, có nhiều luật quy định, điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng, thực tế triển khai đã bộc lộ những bất cập, chồng chéo giữa các luật, gây cản trở, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các bộ, ngành cần rà soát và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, qua đó kịp thời phát hiện những vấn đề cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung.

/Uploads/images/tuandiep/2019/11/07/thuthue.jpg

12 quy định mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ

Nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tháo gỡ 12 quy định mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ trong Luật Đầu tư cũng như các luật liên quan đến kinh doanh, đất đai, xây dựng, quản lý vốn...

Cụ thể, có một số chồng chéo trong quy định về: Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quy định về khái niệm "doanh nghiệp nhà nước" giữa Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan; quy định khái niệm "nhà đầu tư", "chủ đầu tư" giữa các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở; quy định về hình thành quỹ đất phát triển dự án giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai; quy định chồng chéo về xác định nhu cầu sử dụng đất và giới thiệu địa điểm đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng...

Theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các luật Đầu tư công, Đất đai, Xây dựng, Nhà ở... cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư, với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chưa có sự phân định rõ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật. Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác.

Đơn cử, Luật Đầu tư chỉ quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường, không yêu cầu hồ sơ dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); nhưng Luật Bảo vệ môi trường lại quy định báo cáo ĐTM là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư.

Riêng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có quy mô, mức độ cải cách lớn đối với nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau. Vì vậy, quá trình thực hiện không tránh khỏi vướng mắc, phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Sự trùng lặp, chồng chéo đã và đang gây khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. 

Đồng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xác nhận, nhiều doanh nghiệp phản ánh có sự xung đột giữa các luật. Đơn cử, Khoản 2, Điều 171 Luật Nhà ở yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, Điều 33 Luật Đầu tư lại không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ nói trên.

Tương tự, theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Luật Đất đai 2013 đã được sửa đổi, nhưng vẫn còn những quy định không phù hợp với các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản..., gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần bảo đảm tính thống nhất

Khắc phục kịp thời những bất cập, chồng chéo giữa các luật trong đầu tư, kinh doanh sẽ giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp. Ảnh: Thái Hiền

Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp luôn kỳ vọng vào sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật để vận dụng hiệu quả vào kinh doanh; hướng tới sự phát triển bền vững, cũng như được hoạt động trong môi trường kinh doanh minh bạch.

Ông Trần Ngọc Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Royal Palace Việt Nam (trụ sở tại số 52 phố Lê Đại Hành, Hà Nội) nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn chịu sự chi phối, điều chỉnh của nhiều luật. Vì vậy, sự cầu thị, quyết tâm cải thiện, tạo dựng môi trường kinh doanh, quy định pháp luật tiến bộ và phù hợp sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dài hơi, bài bản...

Trước những yêu cầu của thực tế đang đặt ra và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9487/VPCP-PL ngày 18-10-2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Xây dựng để cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định tại các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng..., qua đó bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột với các luật khác.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định tại Điều 4 về "Áp dụng Luật đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế" để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan... Nhiều điều khoản khác trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ với các luật hiện hành cũng như các luật đang trong quá trình xem xét, sửa đổi, bổ sung.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật, Bộ luôn chú trọng việc xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tập trung rà soát phát hiện sự bất cập, hướng tới sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó là đăng tải các dự thảo để tiếp nhận ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Đây là những giải pháp quan trọng để bảo đảm chất lượng và tính khoa học trong xây dựng, thiết kế các văn bản luật, qua đó đáp ứng yêu cầu quản lý, cũng như quyền lợi doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc rà soát, phát hiện những bất cập, chồng chéo trong luật để khắc phục là việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan chức năng. Trong quá trình đó, cơ quan chủ trì cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan đồng thời huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhất là việc tham vấn, lấy ý kiến của các doanh nghiệp để bảo đảm hiệu quả, tính khả thi.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các quy định trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh: Khắc phục sự chồng chéo giữa các luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.