Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử: “Cánh tay nối dài” cho thương hiệu Việt

Thanh Hiền| 08/11/2019 07:08

(HNM) - Thương mại điện tử đang dần trở thành kênh xúc tiến xuất khẩu hữu hiệu cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới. Đặc biệt, nếu tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và tăng trưởng bứt phá.

Tác động tích cực

Theo Công ty TNHH Nielsen Việt Nam (chuyên về nghiên cứu thị trường), người mua hàng trực tuyến đang ngày càng có xu hướng tìm, mua sản phẩm từ bên ngoài biên giới, với tỷ lệ chung trên toàn thế giới là 57%. Điều này có nghĩa, hơn một nửa số hàng hóa người tiêu dùng mua qua mạng đến từ nước ngoài. Do đó, tiềm năng của thương mại điện tử Việt Nam hiện nay không chỉ gói gọn ở thị trường nội địa, mà đã đến với các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Amazon, giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ thành công và tăng trưởng đột phá.

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà đã vươn ra thế giới. Ảnh: Bá Hoạt

Là một trong số 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được lựa chọn thực hiện chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon phối hợp thực hiện, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bích Thủy (số 134 ngõ Thái Thịnh 1, phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) đã được hỗ trợ đào tạo kỹ năng tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng để đưa sản phẩm lên hệ thống của Amazon tại Hoa Kỳ.

Bà Bùi Kim Thúy - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bích Thủy cho biết: “Amazon không chỉ là nền tảng thương mại điện tử có uy tín toàn cầu, lượng truy cập cao, mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng tại các quốc gia nhanh chóng, dễ dàng. Đặc biệt, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng của Amazon giúp người bán hàng không phải lo khâu vận chuyển và chăm sóc khách hàng, thay vào đó chỉ tập trung vào chất lượng và quảng bá sản phẩm”.

Cũng là một trong số những doanh nghiệp nhỏ thành công đưa thương hiệu Việt ra thế giới qua kênh Amazon, bà Lê Thị Thiện Ngân, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Paper Color (21 Lê Trung Nghĩa, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh - chuyên sản xuất thiệp nổi 3D) chia sẻ: "Với rất nhiều kho bãi ở khắp nơi trên thế giới, Amazon đã giúp các doanh nghiệp nhỏ khắc phục những khó khăn như không thể mở cửa hàng ở nước ngoài, chi phí cho tiếp thị trên các kênh bán hàng, hay việc lưu kho, bãi và thủ tục xuất nhập khẩu... do nguồn lực có hạn. Thêm vào đó, Amazon sở hữu đội ngũ hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và chuyên nghiệp, lại không giới hạn số đơn hàng, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tinh giản bộ máy điều hành, giảm chi phí cũng như tập trung vào quảng bá sản phẩm để bán được nhiều hàng hơn”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (nhà số 3209, chung cư Vinhomes Green Bay, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Mua sắm qua Amazon không còn xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Bởi, đây là một trong những địa chỉ mua sắm nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Sở dĩ Amazon có được lòng tin của người tiêu dùng đến vậy là vì họ luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, luôn kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa trước khi bán, nên người tiêu dùng có thể an tâm khi mua hàng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng mua nhầm hàng giả, khi xem xét nguồn gốc sản phẩm, các bạn nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có dòng chữ “Ship from and sold by amazon”, có nghĩa là hàng được bán và giao bởi Amazon...”.

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để gia tăng kim ngạch, trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng…

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt qua nền tảng thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã phối hợp với Amazon Global Selling xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp xúc với kênh bán hàng trực tuyến amazon.com; phối hợp để tuyển dụng và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thiết lập hệ thống nhận diện, thương hiệu hàng hóa, đồng thời nghiên cứu thiết lập chuyên trang về các ngành hàng của Việt Nam trên Amazon.

Ông Bernard Tay - Giám đốc phụ trách Dịch vụ khách hàng Amazon Singapore và là Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand cho biết, với những doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, để gặp gỡ trực tiếp khách hàng nước ngoài và ký kết hợp đồng xuất khẩu không phải là điều đơn giản. Các trang thương mại điện tử toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh sản phẩm một cách đơn giản và tiết kiệm chi phí. Khi gây được ấn tượng với khách hàng, họ sẽ tự động tìm đến với doanh nghiệp. Không chỉ hỗ trợ về những vấn đề kỹ thuật như quảng cáo tài khoản hay thanh toán, vận chuyển, mà đối với những doanh nghiệp chưa hoàn thiện sản phẩm cũng sẽ được Amazon giúp đỡ để xây dựng nhãn mác, bao bì và xin các loại giấy phép chứng nhận...

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú lưu ý, bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, điều cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, phát triển kinh doanh lâu dài trên nền tảng thương mại điện tử vẫn là uy tín và chất lượng sản phẩm; sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, đổi mới sản phẩm và có kế hoạch xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử: “Cánh tay nối dài” cho thương hiệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.