Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Hồng Sơn| 15/11/2019 07:25

(HNM) - Năm 2019 sắp qua đi với những dấu ấn đáng ghi nhận của nền kinh tế, trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó cũng chứng minh cho thực tế chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh đang tiếp tục được cải thiện đáng kể. Song, không vì thế mà thỏa mãn, mà ngược lại, các bộ, ngành chức năng cần liên tục rà soát, phát hiện những tồn tại để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp...

Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Mạnh Hà

Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam liên tục thăng hạng trong một số bảng đánh giá về cải cách, đánh giá tiềm năng kinh doanh của một số tổ chức kinh tế quốc tế. Cụ thể, Diễn đàn kinh tế thế giới mới công bố Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực liên tục, quyết liệt từ cấp điều hành vĩ mô đến các bộ, ngành, địa phương.

Nhận định về thực tế trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào “nửa trên” của bảng xếp hạng này (thứ 67/141 quốc gia tham gia xếp hạng). Tính chung, hơn 50% điều kiện kinh doanh đã được rà soát, cắt giảm, hoặc đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Theo ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), qua những lần tiếp xúc với cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục, nói chung đều suôn sẻ; cán bộ, công chức thừa hành công vụ ngày càng chuyên nghiệp, chủ động tiết kiệm thời gian và nhiệt tình xử lý công việc. Tình hình được cải thiện rõ rệt so với mấy năm trước.

Song vẫn còn hiện tượng trái chiều khi mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Việt Nam xếp thứ 70 trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2020. Kết quả này giảm một bậc so với năm trước. Sở dĩ có thực tế trên là do chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện, nhưng một số nền kinh tế khác lại có sự cải thiện rõ rệt, mạnh mẽ hơn. Vì vậy, xét về tổng thể, Việt Nam vẫn đi sau một số quốc gia và chưa thể cải thiện thứ hạng của mình.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần cảnh giác với việc tụt hạng của Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng thực tế cải thiện chưa được nhiều. Trong đó, việc cải cách có chiều hướng chững lại, chậm dần; bởi từ năm 2018 đến nay mỗi năm Việt Nam tụt một bậc trong bảng xếp hạng của WB. Kết quả cải cách, phục vụ doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert (số 130, Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai), doanh nghiệp vẫn phải đối diện một số vấn đề không đáng có. Đơn cử, cách trình bày, thiết kế biểu mẫu, văn bản của cơ quan quản lý chưa phù hợp, áp dụng theo lối mòn, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nên tập trung tạo dựng môi trường thông thoáng, minh bạch với tinh thần cầu thị thay vì ôm đồm, “lo” hộ doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp có thể tự làm được.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, bản chất của cải cách là cạnh tranh, là cuộc đua giữa các nước. Trong đó, hiệu quả cải cách là yêu cầu quan trọng hàng đầu để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, cơ quan chức năng cần quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu này với chất lượng cao nhất, phục vụ doanh nghiệp một cách đích thực.

Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, cắt giảm những điều kiện kinh doanh bất hợp lý để gỡ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Cải cách nên bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ, nhưng có tác động tích cực với doanh nghiệp. Đơn cử, các cơ quan quản lý nên thừa nhận những kết quả đánh giá, giám định về chất lượng, kết quả kiểm tra của nhau đối với cùng một nội dung. Ngoài ra, mỗi bộ cũng cần từ bỏ tâm lý cục bộ trong việc xác lập điều kiện, quy định đối với doanh nghiệp một cách hợp lý...

Như vậy, việc cải cách vẫn còn dài, không chấp nhận sự “tạm dừng, hoặc giảm tốc”, bởi thời gian không đợi quốc gia nào trong cuộc đua toàn cầu. Nếu doanh nghiệp không được hoạt động trong một môi trường minh bạch sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến sự tụt hậu của cả nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.