Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp hiện đại

Thanh Hải| 03/12/2019 06:55

(HNM) - Để ngành công nghiệp Thủ đô phát triển, tăng sức cạnh tranh, Hà Nội đã và đang thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp hiện đại. Trong 2 năm (2018-2019), đã có 16 cụm công nghiệp mới được thành lập, nhưng những cụm công nghiệp xây dựng trước đó còn nhiều bất cập. Khắc phục tình trạng này, thành phố đã yêu cầu các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền tăng cường quản lý và phát triển bền vững các cụm công nghiệp.

Một góc cụm công nghiệp Thanh Oai. Ảnh: Giang Sơn

Còn nhiều bất cập

Mặc dù có quyết định thành lập từ giữa năm 2018, với diện tích khoảng 7,8ha, nhưng đến nay cụm công nghiệp Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) vẫn ngổn ngang, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cho biết, nguyên nhân là một số người dân chưa đồng thuận với phương án đền bù. Đến nay, cụm công nghiệp này mới có 227/463 hộ dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng.

Trong khi đó, với những cụm công nghiệp đã hoạt động, vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Đơn cử, cụm công nghiệp Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm) nằm gần khu dân cư. Tại đây có nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì, sơn, may mặc… nên phát sinh chất thải độc hại ra môi trường khiến người dân bức xúc.

Còn tại cụm công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức), dù doanh nghiệp hoạt động đã lấp đầy 100% diện tích, nhưng lại tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng. Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã xử lý nhiều nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng, nhưng lợi dụng ngày nghỉ lễ, ban đêm, chủ doanh nghiệp lại xây dựng lại...

Đề cập đến thực trạng cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, hiện có 70 cụm công nghiệp hoạt động nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã, đã hình thành từ trước đây, với 3.864 cơ sở sản xuất. Trong số này có 44 cụm chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy định. Nhiều cụm hình thành tự phát, nằm lẫn với khu dân cư, không có quy hoạch hạ tầng giao thông riêng.

“Hầu hết cụm công nghiệp đều chưa được đầu tư hệ thống cây xanh, cây trồng không theo quy hoạch. Một số cụm không có hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng; hệ thống thoát nước đồng bộ cũng không được đầu tư dẫn đến việc thoát nước kém, thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa to, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” - ông Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Tăng cường quản lý

Một xưởng sản xuất hàng kim khí tại cụm công nghiệp làng nghề Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thái Hiền

Thực tế đã chứng minh, nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương thì các cụm công nghiệp sẽ phát huy được thế mạnh. Trong số 26 cụm công nghiệp có hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ, cụm công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) được xem là "điểm sáng".

Ông Trần Tuấn Linh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì) cho biết: “Cụm có diện tích 56,4ha, với 34 doanh nghiệp hoạt động. Có mặt bằng “sạch” từ năm 2006, đến năm 2008 cụm đã lấp đầy. Từ đó đến nay, chúng tôi không nhận được bất kỳ phàn nàn nào của doanh nghiệp, hay người dân địa phương. Bởi, ngay từ thời điểm xây dựng, lãnh đạo huyện đã quan tâm chỉ đạo, quy hoạch bài bản, cụm được đầu tư hệ thống thoát nước mưa, trạm xử lý nước thải, trạm cấp nước sạch, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, có hàng cây xanh cách ly...”.

Để làm tốt hơn công tác quản lý và phát huy hiệu quả của các cụm công nghiệp, ngày 11-10-2019, UBND thành phố đã ban hành Văn bản 4517/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng dự thảo, tham mưu để UBND thành phố phê duyệt "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023", với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.075,3 tỉ đồng.

Nguồn kinh phí này sẽ hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng (hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào, nhà điều hành…) cho 56 cụm công nghiệp do ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư các cụm công nghiệp thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư như Ba Vì, Mỹ Đức...

Sở cũng đang hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố ban hành "Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" giữa các ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường... làm cơ sở cho việc tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp.

Với sự chỉ đạo sát sao của thành phố, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và địa phương, các cụm công nghiệp sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Triển khai Nghị định 68/2017/NĐ-CP (ngày 25-5-2017) của Chính phủ về quản lý phát triển cụm công nghiệp, trong năm 2018, Hà Nội đã thành lập 5 cụm công nghiệp, tổng diện tích 53,33ha; năm 2019 thành lập 11 cụm công nghiệp, tổng diện tích 169,29ha. Hiện, đã có 14 cụm công nghiệp có hồ sơ trình UBND thành phố, đang xem xét, phê duyệt thành lập, tổng diện tích là 253,8ha.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.