Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt từ logistics

Thanh Hiền| 26/02/2020 07:22

(HNM) - Chi phí logistics (quản trị chuỗi cung ứng) ở mức cao đang là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp "nội" khó có thể nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Do đó, việc đầu tư cho ngành logistics được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Chi phí logistics cao là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Ảnh: Nhã Chi

Khó cạnh tranh, vì đâu?

Là doanh nghiệp chuyên xuất, nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu đồ gỗ nội thất (quận Hoàng Mai) chia sẻ, các chi phí như thủ tục hải quan; vận tải nội địa; phí và phụ phí vận tải do các hãng tàu tự ý thu của chủ hàng... cho một lô hàng xuất khẩu rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng của các nước trong khu vực.

Từ góc độ của nhà phân phối, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam cho biết, nhìn vào kệ xoài của hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản, giá xoài của Việt Nam cao ngang với xoài Mexico, nhưng đắt hơn xoài Thái Lan và Philippines, dù tương đương về độ ngọt. Trong khi đó, xoài Pakistan cũng được xuất sang thị trường Nhật Bản và có giá rẻ hơn của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến giá xoài Việt Nam cao là do chi phí logistics cao hơn các nước khác.

Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đường doanh nghiệp khi muốn thâm nhập thị trường mới. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, giá thành sản phẩm quá cao khiến nhiều nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với hàng Thái Lan, bởi một phần do chi phí vận chuyển cao hơn của nước này.

Hay như Dệt may - ngành có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng cũng đang phải chịu gánh nặng chi phí logistics nhiều nhất. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chi phí logistics của Việt Nam với ngành Dệt may hiện cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Trung Quốc 7%, Malaysia là 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp.

Cần chuyên môn hóa dịch vụ logistics

Mặc dù đã có nhiều cải tiến về hạ tầng logistics, nhưng theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), còn thiếu sự kết nối giữa các phương tiện, các hình thức vận tải, nhất là giữa đường bộ, đường biển và đường sắt. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp logistics là nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nên thua thiệt trong cạnh tranh. Những đơn vị cung cấp các công đoạn khác nhau của chuỗi logistics như dịch vụ kho bãi, vận tải… chưa có sự liên kết mang tính xâu chuỗi cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, ngành logistics còn gặp một loạt khó khăn khác. Đơn cử như Hà Nội, hiện đã có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Song, những rào cản về cơ sở hạ tầng chưa tương ứng; hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics còn chồng chéo, thiếu ổn định; nguồn nhân lực không chuyên nghiệp… đang làm chậm sự phát triển ngành dịch vụ logistics của thành phố.

Đặc biệt, các công ty logistics Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa hoặc một vài nước khu vực ASEAN, trong khi phạm vi hoạt động của nhiều công ty nước ngoài như APL Logistics (công ty con của Kintetsu World Express, Inc., - một công ty vận chuyển hàng hóa có trụ sở tại Nhật Bản) là gần 100 quốc gia. Đây là một trong những cản trở khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cung cấp dịch vụ theo chuỗi giá trị.

Đề xuất ý kiến nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh hơn Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 14-2-2017) về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Theo Bộ trưởng, phải tính đến quy mô xuất, nhập khẩu ở mức trên 500 tỷ USD của nước ta để thấy “miếng bánh” về logistics là lớn. Do đó, việc phát triển ngành dịch vụ logistics cần hướng tới mục tiêu kép là hoàn thiện cơ chế cho phát triển và khẩn trương cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, khi triển khai Luật Quy hoạch phải chú ý sự kết nối hạ tầng giao thông với các trung tâm logistics để có quy hoạch toàn diện trong phát triển lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường (doanh nghiệp chuyên về vận tải) kiến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, cần quan tâm đến các giải pháp: Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách. Đặc biệt, cần đẩy mạnh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên nghiệp về logistics để cung cấp cho doanh nghiệp các phần mềm quản trị, quy trình quản lý…

Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, ngoài vấn đề về chính sách, kết cấu hạ tầng, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, cần cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ cũng như tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không, xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Cùng với đó, việc thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, ứng dụng công nghệ, sàn giao dịch logistics nông sản… cũng rất quan trọng.

Logistics là ngành có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Do đó, chuyên môn hóa dịch vụ này là nhu cầu tất yếu, để bảo đảm sức cạnh tranh cho hàng Việt vươn ra thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt từ logistics

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.