Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ làng nghề vượt khó

Minh Phú| 04/08/2020 15:45

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các làng nghề trên địa bàn thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…, thành phố đang triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với làng nghề vượt qua thách thức.

Làng nghề mây, tre, giang đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ).

Nhiều khó khăn

Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các làng nghề trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã gặp nhiều khó khăn. Xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có khoảng 3.000 hộ làm nghề mộc, nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát thì sự sôi động vốn có đã biến mất.

Chị Nguyễn Thị Năm Chung (thôn Đông) buồn rầu nói: “Chưa năm nào hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất tại Hữu Bằng lại ảm đạm như năm nay. Sản xuất giảm sút, doanh thu không đáng kể mà hằng tháng tôi vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng, tiền thuê mặt bằng… nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn”.

Tương tự, từ đầu năm 2020 đến nay, làng nghề điêu khắc Dư Dụ, xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) cũng trầm lắng. Anh Nguyễn Duy Đức, một hộ sản xuất, cho biết: “Làng Dư Dụ có hơn 300 hộ làm nghề điêu khắc tượng, đồ mỹ nghệ, chủ yếu là xuất khẩu. Do đơn hàng xuất khẩu không có nên doanh thu của gia đình tôi giảm 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Cũng về câu chuyện làng nghề thời Covid-19, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) Đỗ Văn Hùng cho biết, sản phẩm sơn mài của xã chủ yếu là xuất khẩu nhưng các đơn hàng đã ký với doanh nghiệp châu Âu, Mỹ đều lùi thời hạn giao hàng. Hiện chỉ còn một vài doanh nghiệp làm hàng nội địa cho các khách sạn còn duy trì sản xuất với quy mô nhỏ, lượng hàng tiêu thụ giảm tới 60%...

Sản phẩm sơn mài xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm để hấp dẫn du khách.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh thông tin thêm, với nhóm làm hàng xuất khẩu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu như không có đơn hàng mới, đa số nhà nhập khẩu yêu cầu hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Còn với nhóm làm hàng nội địa thì sức tiêu thụ cũng giảm sút. “Chúng tôi đang thống kê, nhưng sơ bộ cho thấy, có nhiều lao động thiếu hoặc mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng và rất khó để trả nợ…, vì vậy, làng nghề rất cần được hỗ trợ”, bà Vinh nói.

Tiếp tục hỗ trợ làng nghề

Trước những khó khăn bởi dịch Covid-19, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) mong muốn, thành phố có chính sách hỗ trợ các làng nghề về nguồn vốn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tuế, Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) kiến nghị, UBND thành phố, các sở, ngành nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp; đồng thời giãn nợ đối với các gói vay của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề...

Các cơ sở sản xuất mộc ở làng nghề xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) đầu tư máy móc vào để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, UBND các xã, thị trấn và các hiệp hội làng nghề trên địa bàn đang đẩy mạnh phối hợp cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề tăng cường ứng dụng giải pháp thương mại điện tử, tiếp thị hàng hóa; chủ động xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, chuẩn bị các điều kiện khôi phục sản xuất...

Đồng hành với các làng nghề vượt qua khó khăn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết, theo kế hoạch năm 2020, Hà Nội hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu (kinh phí 500 triệu đồng/làng) nhưng qua rà soát, Sở đã đề nghị thành phố nâng số lượng cần hỗ trợ lên 20 làng.

Mặt khác, từ việc nắm bắt thực tế, Sở đề xuất thành phố ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp tục hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua việc hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, phát triển nhãn mác, bao bì sản phẩm… qua đó giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề từng bước vượt qua khó khăn.

Bên cạnh sự trợ giúp của chính quyền các cấp thì sự chủ động vượt thách thức của doanh nghiệp và người dân làng nghề mang rất nhiều ý nghĩa. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng những giải pháp riêng đã kiên cường trụ vững trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và tìm kiếm cơ hội mới.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) Đỗ Hùng Chiêu cho biết: “Các nghệ nhân của làng nghề đang tập trung sáng tạo mẫu để tới đây, khi dịch Covid-19 đi qua, làng nghề sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, đẹp, tiện ích hơn nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”.

Với sự đồng hành của thành phố và các địa phương, kết hợp với sự chủ động, sáng tạo của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hy vọng các làng nghề Hà Nội sớm vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ làng nghề vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.