Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2020: Luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Hoàng Phiêu| 15/10/2020 07:13

(HNM) - Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, không chỉ đổi mới, đẩy mạnh vai trò đồng hành của các bộ, ngành, địa phương mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia cũng như hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích nghi với xu thế hội nhập hiện nay.

Quang cảnh cuộc họp báo lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2018.

Tiếp cận mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn hảo

Giải thưởng chất lượng với các tiêu chí phổ quát toàn diện đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng như một công cụ quan trọng để xác định các cơ hội cải tiến, hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, Giải thưởng Chất lượng quốc gia được thiết lập trên cơ sở chấp nhận mô hình và các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng của các quốc gia tiên tiến và cũng nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO). Giải thưởng được trao giải hằng năm và giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, tại các nước có nền công nghiệp phát triển, Giải thưởng Chất lượng cũng được các doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng hết sức quan tâm. Giải thưởng không chỉ đơn thuần là hình thức tôn vinh về chất lượng, mà còn là công cụ, biện pháp chính để thể hiện chính sách quốc gia trong lĩnh vực chất lượng. Giải thưởng Chất lượng quốc gia của Việt Nam cũng định hướng theo mục tiêu này. Ngay từ khi được triển khai, năm 1996 đến nay, Giải thưởng Chất lượng quốc gia luôn trở thành hoạt động năng suất - chất lượng hiệu quả và liên tục tại các địa phương trong cả nước.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, việc các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia không chỉ có cơ hội được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng mà còn là dịp tiếp cận với mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn hảo, công cụ đánh giá tiên tiến trên cơ sở đối sánh hoạt động của doanh nghiệp với các tiêu chí của giải thưởng; đồng thời đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế; xác định hiện trạng của trình độ, chất lượng quản lý; xác định những thành tựu, điểm yếu, cơ hội thành công và nhiệm vụ cho tương lai, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến thích hợp. Đây chính là giá trị cốt lõi mà giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi ứng dụng mô hình Giải thưởng Chất lượng quốc gia trong quản lý tại doanh nghiệp.

Đến nay đã có gần 2.000 doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Chất lượng quốc gia, trong đó 240 lượt tổ chức, doanh nghiệp đạt giải Vàng. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp Việt Nam đạt giải thưởng có 50 doanh nghiệp tiêu biểu được APQO tặng Giải thưởng GPEA.

Cơ hội nâng cao giá trị nhờ quy định mới

Đã có nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về Giải thưởng Chất lượng quốc gia, cụ thể là Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 và Nghị định số 74/ 2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có các nội dung liên quan đến Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Để hướng dẫn thi hành một số điều về 2 nghị định trên của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 3 thông tư, gần đây nhất là Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN ngày 26-12-2019, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, có những quy định mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị khi tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Đây được xem là sự đổi mới đáng kể giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia giải thưởng, đồng thời đẩy mạnh vai trò đồng hành của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển hoạt động này.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển giải thưởng với quy mô rộng hơn, chất lượng tốt hơn nhằm góp phần tạo bước chuyển biến về chất cho phong trào năng suất - chất lượng trong thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang triển khai nhiều nội dung quan trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, một trong những định hướng mới của cơ chế Giải thưởng Chất lượng quốc gia trong giai đoạn tới là tạo ra một cơ chế để các bộ, ngành, đặc biệt là các đơn vị quản lý ngành cũng có thể có cơ chế nắm bắt được những yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực của mình. Hướng dẫn, xét tuyển và giới thiệu cho Hội đồng quốc gia những doanh nghiệp có năng lực, có kết quả hoạt động kinh doanh xuất sắc… Từ đó sẽ tạo ra phong trào để Giải thưởng Chất lượng quốc gia không chỉ ở các địa phương mà còn có các bộ, ngành cùng tham gia lựa chọn, hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, để hưởng ứng Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, trong giai đoạn tới, hoạt động của Giải thưởng Chất lượng quốc gia sẽ hướng các doanh nghiệp tiếp cận chất lượng theo một hệ thống các giá trị cốt lõi. Đó là thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh vững chắc của doanh nghiệp; xây dựng các chính sách và thiết lập các mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động phù hợp để đáp ứng nhu cầu, sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; cam kết phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo về quản lý chất lượng; chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực; thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội… Đây sẽ là những tiêu chí giúp doanh nghiệp tạo dựng nên sự phát triển bền vững.

Theo Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN, việc xét tặng Giải thưởng Chất lượng quốc gia cho tổ chức, doanh nghiệp dựa trên kết quả đánh giá, tính điểm của 7 tiêu chí với tổng số điểm là 1.000 điểm, gồm: Vai trò lãnh đạo; chiến lược hoạt động; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích quản lý tri thức; quản lý nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2020: Luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.