Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển hạ tầng đón thành phố Thủ Đức

Hà Phạm| 16/11/2020 07:33

(HNM) - Để đón đầu cho việc hình thành thành phố Thủ Đức trong tương lai, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra kế hoạch dự kiến trong 10 năm tới (giai đoạn 2020-2030). Theo đó, thành phố sẽ cần khoảng 300.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, phục vụ đi lại cho người dân và kết nối liên vùng, liên khu vực.

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông khu đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố. Trong ảnh: Xa lộ Hà Nội đoạn qua nút giao Làng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) đã được cải tạo, nâng cấp.

Nhiều dự án lớn...

Thành phố Thủ Đức - khu đô thị sáng tạo phía Đông được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại 3 quận gồm: Quận 2, 9, Thủ Đức. Thành phố mới sẽ có diện tích hơn 211km2, dân số hơn 1 triệu người, bằng 10% diện tích và 10% dân số của toàn thành phố Hồ Chí Minh, quy mô tương đương đô thị loại 1. Để đô thị này phát triển xứng tầm, ngày 23-10-2020, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1534/QĐ-SGTVT về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, trên cơ sở Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030", thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông khu đô thị sáng tạo phía Đông. Cụ thể, 10 năm tới, thành phố dự kiến cần khoảng 300.000 tỷ đồng để thực hiện các nhóm dự án về hạ tầng giao thông. Trong đó, nhóm đường bộ sẽ cần khoảng hơn 135.000 tỷ đồng; nhóm đường sắt và xe buýt nhanh cần hơn 140.000 tỷ đồng và đường thủy cần gần 24.000 tỷ đồng...

Cũng theo ông Trần Quang Lâm, trong giai đoạn 2021-2030, sẽ có 4 dự án lớn được thành phố Hồ Chí Minh xây mới như: Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng; nút giao An Phú... nằm trên địa bàn thành phố Thủ Đức trong tương lai. Cũng trong giai đoạn này, sẽ có các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) liên quan đến thành phố Thủ Đức với hơn 33km được mở rộng và xây dựng mới như: Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Vành đai 3; quốc lộ 13...

Ngoài ra còn có 44 dự án giao thông ưu tiên ở khu vực Nam Bộ với gần 320km, trong đó có 306km đường giao thông trên địa bàn quận 2, quận 9, quận Thủ Đức bây giờ như: Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hoàng Hữu Nam; nút giao Gò Dưa; đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái; cầu Thủ Thiêm 3, 4…

... tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh

Để thành phố Thủ Đức phát huy vai trò hạt nhân phát triển của cả thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện 16 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn quận 2, quận 9, quận Thủ Đức hiện nay. Trong đó, tiếp tục thực hiện nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, với tổng quy mô gần 29km đường: Vành đai 2, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; Đồng Văn Cống; Đỗ Xuân Hợp; nút giao Mỹ Thủy…

Ngoài ra, Sở cũng đã đề xuất kết nối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành với đường Long Phước thuộc quận 9 hiện nay, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, giai đoạn 2021-2022, loạt công trình mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, cầu Thăng Long, cầu Công Lý… sẽ được khởi công xây dựng. Giai đoạn 2023-2025, nhiều dự án trọng điểm như: Khép kín đường Vành đai 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4… cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng quận 2, quận 9 và Thủ Đức về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông tại thành phố Thủ Đức sẽ là giao thông thông minh, nhằm phát huy tối đa năng lực điều hành, khai thác giao thông trên địa bàn. Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội) Dương Quang Châu cho biết, đơn vị đang mở rộng tuyến đường đoạn từ cầu Đồng Nai đến nút giao Trạm 2 có chiều dài 5,5km và dự kiến hoàn thành trong năm 2020 để hoàn chỉnh trục dọc giao thông cửa ngõ phía Đông.

“Tuyến Xa lộ Hà Nội được mở rộng và xây dựng hoàn chỉnh sẽ tạo thông suốt trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Cảng Đồng Nai về các cảng thuộc khu đô thị sáng tạo phía Đông. Điều này rất có lợi cho lái xe như chúng tôi”, anh Nguyễn Văn Thuyết, lái xe container cho doanh nghiệp vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) phấn khởi nói.

Về thu hút nguồn vốn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho biết, với nguồn vốn rất lớn để đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông khu đô thị sáng tạo phía Đông, thành phố Hồ Chí Minh phải có cơ chế đặc thù rõ ràng và thuyết phục nhằm thu hút vốn. “Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, còn hạ tầng giao thông khát vốn thì chỉ áp dụng cơ chế đặc thù mới có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo bứt phá cho hạ tầng khu đô thị sáng tạo phía Đông”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hạ tầng đón thành phố Thủ Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.