Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh): Cực tăng trưởng mới

Nguyễn Lê| 01/01/2021 07:14

(HNM) - Hiện nay, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển thành phố Thủ Đức. Khi đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp trên 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tương đương 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của quốc gia, trở thành cực tăng trưởng mới, nhanh và bền vững của thành phố.

Thành phố Thủ Đức sẽ trở thành cực tăng trưởng mới của thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố năng động trong tương lai

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, thành phố Hồ Chí Minh đã kiên trì đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố Thủ Đức là hoài bão lớn của thành phố Hồ Chí Minh, là nhân tố mới trong tương lai của thành phố và cả nước.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia, là đô thị loại 1 trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Đến khi hoàn thiện xây dựng (giai đoạn 2030-2040), diện tích thành phố Thủ Đức sẽ đạt 1.800ha, dân số đạt mức 1,9 triệu người.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ tạo cơ hội mạnh mẽ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, các công ty đang phát triển nhanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo, mạng lưới trí thức người Việt trên toàn cầu được kết nối lại và hợp tác, mở rộng các dự án khởi nghiệp, sáng tạo. Hiện 3 quận (Thủ Đức, 2, 9) đã có các trụ cột như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu công nghệ cao (quận 9). Khi thành lập thành phố Thủ Đức, các trụ cột trên không còn rời rạc mà sẽ thống nhất bộ máy quản lý, từ đó tăng tính tương tác. Dự kiến, Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai cũng đặt tại thành phố Thủ Đức.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (một trong những chuyên gia góp ý quy hoạch thành phố Thủ Đức) cho rằng, trong điều kiện nguồn lực chưa đủ để đầu tư phát triển bao trùm các hướng của thành phố Hồ Chí Minh, việc chọn hướng Đông để tập trung phát triển là chiến lược đúng đắn của thành phố. “Thành phố Thủ Đức có đầy đủ các tiềm lực cần thiết như nhân lực, cơ chế, tài chính, hạ tầng… để trở thành một thành phố năng động trong tương lai”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói.

Vận dụng điều kiện tốt nhất 

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang thực hiện các thủ tục để ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch thành phố Thủ Đức với các đối tác quốc tế và trong nước. Nội dung tư vấn quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể 3 quận tỷ lệ 1/10.000 và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000-1/5.000 cho 5 khu vực. Kết quả nghiên cứu quy hoạch tổng thể thành phố Thủ Đức (tỷ lệ 1/10.000) ngay trong tháng 1-2021 sẽ đưa vào nhiệm vụ quy hoạch chung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kết quả nghiên cứu quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 sẽ trình UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt. 

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã cho biết, quá trình xây dựng, phát triển thành phố Thủ Đức dự kiến được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 - khởi tạo (2020-2022); giai đoạn 2 - triển khai (2023-2030); giai đoạn 3 - hoàn thiện (2030-2040). Trong giai đoạn 1, thành phố sẽ tạo quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất; giai đoạn 2, thành phố sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu triển khai đầu tư chiến lược. Về nguồn lực tài chính, giai đoạn 2020-2025, thành phố xác định nhu cầu vốn khu vực nhà nước (gồm vốn ngân sách và vốn nhà nước đi vay hoặc phát hành trái phiếu) ước tính hơn 41.660 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khoảng 30.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp trên 30% GRDP của thành phố Hồ Chí Minh, tương đương 7% GDP của quốc gia, trở thành cực tăng trưởng nhanh và bền vững, giữ vai trò dẫn dắt kinh tế của thành phố. Người dân thành phố Thủ Đức sẽ được hưởng các giá trị từ chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật, xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế; doanh nghiệp được tiếp cận hệ thống quản lý hành chính hiện đại, minh bạch, tinh gọn và khả năng trợ lực tài chính hiệu quả từ trung tâm tài chính của thành phố.

“Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù cho việc xây dựng, phát triển thành phố Thủ Đức. Trong khi các chính sách đặc thù chưa thể triển khai, thành phố sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất cho đơn vị hành chính này”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh): Cực tăng trưởng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.