Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng giáo dục

Quỳnh Anh| 27/10/2021 06:11

(HNM) - Xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác này và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Hiện có 77% trường công lập của Hà Nội đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Để tạo điều kiện dạy và học tốt nhất, mục tiêu trong năm 2021 của thành phố Hà Nội là có thêm 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là bài toán không dễ giải, bởi hầu hết trường chưa đạt chuẩn đều có khó khăn, trong đó chủ yếu là thiếu kinh phí và quỹ đất hạn chế... Song, với nỗ lực hóa giải các khó khăn của thành phố, ngành Giáo dục và các cấp, ngành, đơn vị liên quan, đến thời điểm này, nhiều trường học đã hoàn thành các tiêu chuẩn quy định, trong đó có trường học được đánh giá là đạt tiêu chuẩn, đang chờ quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, để đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của thành phố, chính quyền các địa phương và ngành Giáo dục. Trong đó, thành phố đã sớm tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như hỗ trợ kinh phí cho một số huyện khó khăn, ưu tiên quỹ đất để mở rộng, xây dựng trường học…; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh để các địa phương hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở mức cao nhất.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là bước đệm quan trọng, có tác động lớn đến chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực Thủ đô. Từ nay đến cuối năm 2021, thời gian không còn nhiều; vì thế, các cấp, ngành, đơn vị chức năng cần rà soát, hỗ trợ các nhà trường hoàn thiện tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Các trường cũng cần chủ động, tích cực phối hợp, tham mưu nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Để công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt hiệu quả cao, về lâu dài, ngành Giáo dục cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng, từ đó thu hút được nhiều nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn. Bên cạnh đó là chủ động đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu phục vụ, dạy học trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, hướng đến giáo dục toàn diện…

Chung tay cùng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các địa phương cần quan tâm ưu tiên dành quỹ đất, kinh phí theo phân cấp để xây dựng trường học, mở rộng diện tích trường ở những nơi có điều kiện và quan tâm đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập, nhà đa năng cho học sinh; đồng thời tăng cường kêu gọi, huy động và tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường duy trì, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với những địa phương thiếu quỹ đất mở rộng trường học, nên chủ động giải pháp nâng tầng lớp học để tăng diện tích sử dụng, đề xuất tách trường để bảo đảm các tiêu chí...

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, thành phố Hà Nội không chỉ hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 85 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2021 mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu 85% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.