Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đô thị hóa... "bóp nghẹt" hồ, ao

Hoàng Thu Vân| 24/06/2012 06:20

(HNM) - Vài trận mưa vừa rồi dù chưa quá lớn và chưa kéo dài, nhưng Hà Nội cũng không tránh khỏi cảnh úng ngập. Trong khi đó, điều đáng suy nghĩ là thời gian qua chúng ta đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để đầu tư cho các dự án thoát nước.


Có ý kiến cho rằng, hiện nay một số dự án đang triển khai nên chưa thể phát huy hiệu quả đồng bộ trong việc thoát nước. Lại có ý kiến nhận xét, quy hoạch tổng thể của việc tiêu thoát nước trên địa bàn Thủ đô còn bộc lộ nhiều bất cập...

Tuy nhiên, qua hội thảo quốc tế với chủ đề "Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu" do Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng tổ chức ngày 22-6, nguyên nhân chính của tình trạng trên đã được chỉ rõ. KTS Trần Huy Ánh, Giám đốc Công ty HanoiData phân tích, trong vòng 50 năm qua có đến 80% diện tích mặt nước của Thủ đô đã "biến mất". Làm rõ cho ý kiến này, chuyên gia về quản lý nước Nguyễn Công Thành nêu số liệu: Từ năm 1983 đến năm 1996, 1,7km2 diện tích ao hồ của Hà Nội đã bị san lấp. Còn một học giả khác đã cung cấp thông tin thông qua ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, trong 10 năm (1986-1996) Hà Nội đã mất tới 64% diện tích mặt nước hồ, ao...

Như vậy, việc Hà Nội phải chịu cảnh úng ngập mỗi khi có mưa là hậu quả của nhân họa chứ không phải do thiên tai. Vẫn biết biến đổi khí hậu ngày nay diễn ra rất phức tạp, song chuyện đó chỉ làm cho việc úng ngập thêm trầm trọng chứ đó không phải là nguyên nhân chính. Tại sao diện tích mặt nước (bao gồm ao, hồ, kênh, mương tiêu thoát nước) của Hà Nội bị thu hẹp nhanh chóng đến như vậy? Điều đó tỷ lệ nghịch với những nhà cao tầng, văn phòng, trung tâm thương mại... xuất hiện trong thành phố với mật độ ngày càng dày đặc. Nói cách khác là cơn lốc đô thị hóa đã cuốn đi nhiều hồ ao, kênh, mương làm cho diện tích mặt nước phục vụ việc tiêu thoát bị... ngót dần. Cùng với đó là việc bê tông hóa tràn lan từ nội thành tới khu vực nông thôn khiến lượng nước mỗi khi trời mưa không thể thấm sâu xuống đất, bổ sung cho các mạch nước ngầm. Rồi việc thiếu cao độ chuẩn trong quy hoạch tổng thể đô thị cũng như từng khu vực làm cho thành phố không thể nghiêng nước ra sông, tạo thêm nhiều khu vực ngập úng cục bộ trong khi lại rất thiếu các trạm bơm cưỡng chế điển hình như trạm bơm Yên Sở... Đại loại là như vậy. Nhưng cần lưu ý ở đây là hậu quả đó không phải thuộc về quá trình đô thị hóa mà chính là lỗi của con người khi hằng ngày, hằng giờ đang thực hiện những việc như "ảo thuật" khiến diện tích mặt nước bị "phù phép" biến mất khỏi đời sống. Nhìn thấy rõ nét nhất là sự yếu kém, thậm chí là buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở...

Và để khắc phục những vấn đề nêu trên, có lẽ việc thực hiện những dự án thoát nước đô thị (giai đoạn 1, giai đoạn 2) mới chỉ là việc giải quyết phần ngọn. Bên cạnh đó còn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của cả cộng đồng và toàn xã hội đặc biệt là trong công tác quản lý đối với việc bảo vệ diện tích mặt nước phục vụ việc tiêu thoát cũng như giảm diện tích bê tông hóa mặt đất, quy định chặt chẽ việc cao độ chuẩn trong xây dựng, tách hệ thống nước thải sinh hoạt và nước thải tự nhiên... Có như vậy mới mong mùa mưa Hà Nội có thể chấm dứt điệp khúc... "Em ơi, Hà... lội phố!".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đô thị hóa... "bóp nghẹt" hồ, ao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.