Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt tên đường phố, quy định đã có...

Dục Tú| 06/01/2014 05:54

(HNM) - Những ngày vừa qua, báo chí phản ánh hiện tượng đặt tên phố một cách tùy tiện. Chuyện xảy ra ở Hà Nội, những tên đường, phố khó hiểu như SP1, LS1, CD1… xuất hiện ở quanh Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), dư luận cho là "kỳ quặc" bởi sự vô nghĩa, khó nhận biết.

Nói "kỳ quặc" bởi sau khi báo chí lên tiếng, chính quyền TP Hà Nội vào cuộc, tiến hành kiểm tra thì kết quả là không có ai nhận là tác giả của hiện tượng lạ lùng nói trên. "Kỳ quặc" còn là bởi chính quyền cơ sở cũng không biết gì dù việc xuất hiện tên phố, tên đường trên địa bàn không phải là chuyện khó nhận ra. Thế nên, quanh sự lạ này, không thể không nói về nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng cũng như nhà quản lý địa bàn về một phần việc mà Nhà nước đã có quy định rõ ràng, cả về thẩm quyền, quy trình, ý nghĩa, mục đích của việc đặt tên đường, phố.

Đó là phần việc không thể thực hiện một cách tùy tiện. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố có nhiệm vụ, thông qua hội đồng tư vấn, lập ngân hàng tên đường, phố, lên danh mục các đường, phố cần đổi tên hoặc đặt tên mới và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình HĐND tỉnh, thành phố xem xét thông qua... Đó là văn bản pháp quy tương đối chặt chẽ, không thể hiểu sai và lấy đó làm cơ sở ngụy biện cho việc xuất hiện tên đường, phố không phù hợp quy định hiện hành.

Không phải quốc gia nào cũng đặt tên đường, phố như Việt Nam. Tại Mỹ, việc đặt tên phố, đường khá đơn giản, hướng đến sự tiện dụng - xét trên phương diện tìm địa chỉ. Cách ấy giúp dân dễ tìm đường, nhưng không tận dụng được việc đặt tên đường để tôn vinh, giới thiệu lịch sử, truyền thống.

Tại Việt Nam, như với Thủ đô Hà Nội kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, việc đặt tên đường, phố gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, công lao của những tên tuổi lớn. Việc đặt tên đường, phố ngày một thể hiện rõ tính khoa học, có lợi cho mục tiêu giáo dục truyền thống, chẳng hạn như những nhân vật có công lao lớn đóng góp trong một lĩnh vực hoặc một giai đoạn lịch sử thì được dùng đặt tên cho các đường, phố có vị trí gần nhau. Xét về mặt truyền thống, về kiến trúc đô thị và cả trình độ quy hoạch đô thị còn có mặt hạn chế thấy rõ, với hệ thống đường, phố dọc ngang nhằng nhịt như hiện nay, cách đặt tên phố hướng đến sự tiện dụng không có khả năng tạo hiệu quả ở đô thị lớn tại Việt Nam.

Có thể việc "kỳ quặc" nói trên chưa gây phiền toái đặc biệt. Tuy thế, căn cứ vào sự rắc rối nảy sinh từ việc đặt tên phố, ghi biển số nhà, đã đến lúc cần rà soát kỹ lưỡng phần việc này, kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm điểm đến của người dân cũng như công tác quản lý hành chính. Ngoài việc tuân thủ quy trình, quy định, việc đặt tên đường, phố cần hướng đến mục tiêu cơ bản, trong đó, quan trọng nhất là mục tiêu giáo dục truyền thống, tình yêu và lòng tự hào đối với quê hương. Yêu cầu này dẫn đến đòi hỏi về chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn về tên đường, phố, công trình công cộng cũng như tính chính xác trong việc xây dựng kho dữ liệu liên quan. Tại Việt Nam, việc chọn tên danh nhân để đặt tên đường, phố mang tính phổ biến, các sự kiện quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước cũng được chọn, nhưng ở mức độ hạn chế hơn. Từ đặc điểm này, với công tác lập ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, yêu cầu đặt ra là phải chính xác, công bằng khi đánh giá công trạng của danh nhân có thể được dùng tên để đặt cho đường, phố, tránh tình trạng bỏ sót, nhầm lẫn mà hệ quả tất yếu là làm giảm ý nghĩa giáo dục truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặt tên đường phố, quy định đã có...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.