Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn kết văn hóa với du lịch

Đình Hiệp| 08/07/2018 07:19

(HNM) - Để phát triển ngành Du lịch nói chung, không một quốc gia nào không coi trọng du lịch văn hóa, bởi đây là loại hình có nhiều ưu điểm, không phụ thuộc vào thời tiết hay mùa vụ... Du lịch văn hóa không chỉ tạo nên sức hút cho mỗi điểm đến, mỗi quốc gia mà còn giúp đưa hình ảnh đất nước, nền văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.


Cùng với các loại hình du lịch như sinh thái, khám chữa bệnh, mạo hiểm, giáo dục..., du lịch văn hóa ở nước ta ngày càng "hút" khách. Đối với du khách có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán, thì du lịch văn hóa chính là “chìa khóa” để họ mở ra cánh cửa đó. Điều này phần nào lý giải vì sao trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-12-2011, đã xác định du lịch văn hóa là một thế mạnh, dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam.

TP Hà Nội được biết đến là cái nôi văn hóa của cả nước, với hơn 5.900 di tích lịch sử, văn hóa và gắn với hơn 1.100 lễ hội lớn nhỏ. Con số này cũng đủ để khẳng định chiều sâu văn hóa của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Tất cả tạo nên sự phong phú, đa dạng cho du lịch văn hóa Hà Nội; trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong, ngoài nước.

Thế nhưng, thực tế cho thấy các sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội vẫn đơn điệu; tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu các dịch vụ hỗ trợ để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa nhưng vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn. Không những thế, chất lượng, số lượng nguồn nhân lực làm du lịch chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành khi đội ngũ quản lý, thuyết minh viên tại các điểm đến còn thiếu và nhiều bất cập… Những hạn chế này đã phần nào ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Thủ đô trong con mắt du khách - một lợi thế so sánh mà không phải địa phương nào cũng có được.

Năm 2018, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu đón được 25,4 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm 2017; tổng thu từ khách du lịch là 75.783 tỷ đồng, tăng 7%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân… chứ không riêng gì những người làm du lịch.

Với du lịch văn hóa, việc xây dựng điểm đến đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ - không chỉ dừng lại ở “cưỡi ngựa xem hoa” - là hết sức quan trọng. Theo đó, cần tập trung vào sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống - thế mạnh của các địa phương - trong tổng thể xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Việc kết hợp hài hòa giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch cần được quan tâm, nhìn nhận đúng mức, không chỉ đối với người làm du lịch mà cả cộng đồng xã hội nói chung. Chỉ khi nào nhận thức được tầm quan trọng của du lịch văn hóa trong chiến lược phát triển du lịch bền vững thì chúng ta mới khai thác được hết tiềm năng của loại hình du lịch đặc biệt này.

Trên một bình diện khác, du lịch văn hóa kích thích niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân, mỗi du khách; làm tăng sự tôn trọng và hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết. Vì lẽ đó, việc gắn kết giữa văn hóa với du lịch, du lịch với văn hóa được xem là nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Phát triển du lịch văn hóa cần trở thành nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Thủ đô.

Làm được như vậy, Hà Nội sẽ luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết văn hóa với du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.