Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc tất yếu phải làm!

Đình Hiệp| 19/07/2018 07:03

(HNM) - Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 trên cả nước đạt 97,57%, trong đó hệ giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.

Quả vậy, để đánh giá sự thành công của một kỳ thi, không thể chỉ dựa vào những con số “thành tích” trên. Thế nhưng, đằng sau những con số “biết nói” này giúp chúng ta có một cái nhìn nghiêm túc và thực chất hơn không chỉ về cách dạy - học, mà còn đối với công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sao cho hiệu quả, minh bạch, tránh được những tiêu cực không đáng có như đã xảy ra.

Một trong những tâm điểm đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước những ngày qua là vụ “hô biến” điểm thi tại Hà Giang khi có tới 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được một cán bộ của sở này nâng điểm chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ. Có ý kiến cho rằng, sự bất thường điểm thi cao của Hà Giang được nhìn thấy từ năm ngoái nhưng do mặt bằng điểm thi chung cả nước khá cao nên vụ việc bị "chìm" đi... Những nghi ngờ này sẽ sớm có câu trả lời, bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Phải khẳng định rằng, vụ việc gian lận nâng điểm thi tại Hà Giang là một hiện tượng tiêu cực đáng lên án khi chúng ta đang hướng đến một xã hội học tập công bằng. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận những thành công mà kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mang lại.

Trong đó, thành công lớn là giúp giảm tải áp lực cho học sinh, người nhà các em cũng như những chi phí không cần thiết khi tổ chức thi tại các địa phương. Đặc biệt, đề thi năm nay được đánh giá cao, phù hợp với chương trình phổ thông, có sự phân hóa tốt hơn khi bám sát mục tiêu “2 trong 1” là vừa xét tốt nghiệp THPT và xét đại học, cao đẳng.

Những tổ chức, cá nhân sai phạm ở Hà Giang chắc chắn sẽ bị nghiêm trị tương xứng với hành vi vi phạm. Nhưng đằng sau chuyện buồn đó, có thể thấy một loạt câu hỏi đang được dư luận đặt ra về tính công bằng, khách quan, minh bạch, trách nhiệm của những cán bộ liên quan… đối với một kỳ thi tầm cỡ quốc gia ở đâu? Trong đó không thể không nhắc đến những lỗ hổng của quy trình giám sát bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình thực hiện khâu chấm thi, nhất là với việc chấm bài thi trắc nghiệm khách quan.

Phương án thi "2 trong 1" được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn từ năm 2015 đến nay, theo đó các địa phương cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức thi. Và năm nào cũng vậy, trước - trong và sau thi (xét tuyển) luôn có chuyện lùm xùm.

Vì thế, không ít ý kiến cho rằng quyết tâm làm rõ vụ tiêu cực tại Hà Giang (không loại trừ chuyện có thể xảy ra ở một số nơi khác) là rất cần thiết để trả lại sự công bằng cho thí sinh và nghiêm trị những người vi phạm. Nhưng đó chỉ là cách làm "cắt ngọn" và không ai dám chắc năm tới sẽ không xảy ra sai phạm trong thi cử?

Để hướng tới một kỳ thi THPT quốc gia trong sạch, khách quan, công bằng thì việc rà soát và hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ đối với tất cả các khâu là hết sức cần thiết. Cùng với đó, cần lựa chọn cán bộ chấm thi, coi thi phải được thẩm định cả về chuyên môn và đạo đức. Bởi công tác khảo thí tốt sẽ giúp cho việc dạy và học trở nên thực chất hơn. Một nền giáo dục công bằng, minh bạch sẽ thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện, bền vững hơn là điều tất yếu phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc tất yếu phải làm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.