Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bất cập, chặn phát sinh

Bình Nguyên| 03/08/2018 06:27

(HNM) - Đô thị hóa, quá trình tất yếu của mỗi quốc gia luôn có tính hai mặt. Bên cạnh mặt tích cực, có ý nghĩa như động lực, “chỉ số” phát triển là không ít hệ lụy. Thậm chí, ở một số trường hợp, những hệ lụy đó không nhỏ. Đó là mẫu số chung.


Quá trình đô thị hóa ở nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng không là ngoại lệ. Điều đáng mừng ở đây là động lực và cơ hội đến từ đô thị hóa với Thủ đô Hà Nội, cũng như với cả nước, là chủ đạo. Nhờ đó, chúng ta có một Hà Nội ngày càng văn minh hơn, hiện đại hơn. Những thành tố của một đô thị đáng sống ngày một hiện hữu nhiều hơn và được hoàn thiện dần theo hướng bền vững… Dù vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề thành phố đang phải đối mặt mà một trong số đó, có thể thấy ngay bởi “sát sườn” với cả cơ quan quản lý cũng như đời sống người dân: Bất cập tại những không gian đô thị mới và làng xóm đô thị hóa, cũng như sự thiếu hài hòa, kết nối giữa các khu đô thị cũ - mới, đô thị với ngoại thành.

Trong khi cơ quan quản lý đứng trước nhiều khó khăn phải giải quyết thì người dân, tại không ít khu vực phải chịu đựng cảnh tắc đường, ngập úng khi mưa lớn, thiếu nước sạch, chỗ để xe... - hậu quả của sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Rồi không ít nơi, người dân phải xoay xỏa với những bất tiện do thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu… Ở góc nhìn văn hóa, thay vì có được những sản phẩm quy hoạch - kiến trúc giàu tính thẩm mỹ lại là những lộn xộn, chắp vá do “cũ” (nông thôn) và “mới” (khu đô thị mới hình thành) vênh nhau.

Làm thế nào để khắc phục những bất cập vừa nêu để Hà Nội thật sự phát triển thành đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại?

Hiện tại về quy hoạch, thành phố có lợi thế là đã khá đủ những định hướng cần thiết: “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”; “Quy hoạch tổng thể, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”… cùng với đó là hàng loạt quy hoạch về các ngành, phân khu, chi tiết. Do vậy, nhiệm vụ hàng đầu và cũng là xuyên suốt là phải thực hiện tuân thủ nghiêm quy hoạch, kiên quyết không "ăn xổi", không "du di" trong triển khai mỗi dự án. Mỗi một khu đô thị mới hình thành, ở bất cứ đâu đều phải bảo đảm tính khớp nối với khu vực lân cận và tổng số khu đô thị mới đó phải bảo đảm khớp nối với đô thị lớn là thành phố. Đồng thời, phải bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống với khu vực lân cận và giữa các khu đô thị; cũng như bảo đảm sự lồng ghép quy hoạch môi trường trong quy hoạch đô thị... Nói khái quát - để có sự hình thành đô thị theo kiểu “cấu kiện module”, cái gốc vẫn nằm ở xây dựng quy hoạch (khu vực, lĩnh vực, dự án...) và quản lý tốt quy hoạch.

Đô thị hóa nhanh chóng cũng đặt ra yêu cầu về năng lực quản lý. Do đó, trình độ quản lý phát triển đô thị của đội ngũ cán bộ phải đủ mạnh và liên tục được cải thiện. Đặc biệt, cần chú ý khâu giám sát thực hiện quy hoạch và quá trình thực hiện quy hoạch được duyệt nếu không có bất cập thì nhất định không được phép điều chỉnh "nâng tầng", lấn chiếm không gian chung (cây xanh, mặt nước, khu vui chơi...) - điều được cho là yếu nhất, dễ phát sinh tiêu cực nhất hiện nay.

Để quá trình đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra một cách năng động, hài hòa, trước mắt chưa giải quyết ngay được những bất cập thì dứt khoát không thể để phát sinh thêm các khu đô thị tương tự những khu có nhiều hệ lụy hiện hữu.

Xóa bất cập, chặn phát sinh - ấy là cách vừa giải bài toán cũ, vừa phòng bài toán bất cập mới cho đô thị!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa bất cập, chặn phát sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.