Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chỗ đứng vững chắc hơn

Đan Nhiễm| 13/08/2018 06:41

(HNM) - Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển ổn định, thể hiện rõ nét qua những con số tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ 18 thế giới, với kim ngạch mặt hàng này năm 2017 đã đạt mốc 36 tỷ USD.


Riêng 7 tháng năm 2018 đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn toàn có thể cán đích 40 tỷ USD như mục tiêu được Chính phủ đặt ra. Ấn tượng hơn là một số mặt hàng trái cây đặc sản của Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào những thị trường "khó tính", trong khi những mặt hàng truyền thống tiếp tục giữ vững lợi thế của mình.

Tuy nhiên, để sản phẩm nông nghiệp nước nhà có chỗ đứng vững chắc hơn nữa trên thị trường toàn cầu; nền nông nghiệp Việt Nam vào nhóm 15 nước phát triển nhất, trong đó ngành Chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới trong 10 năm tới như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngày 30-7-2018, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Bởi sau nhiều năm đổi mới, nền nông nghiệp nước nhà vẫn còn nhiều điểm yếu như: Sản xuất nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất khó khăn, tính liên kết yếu, công nghiệp và công nghệ chế biến chưa tương xứng với sản xuất, an toàn, vệ sinh thực phẩm chưa tốt…

Điều này dẫn đến hàng nông sản Việt Nam chưa tiến sâu, tiến vững chắc và đa dạng mặt hàng tại những thị trường "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia... Trong khi đó, ở thị trường toàn cầu, khó khăn lớn nhất của nông sản Việt Nam hiện tại cũng như lâu dài là việc nhiều nước nhập khẩu đang cụ thể hóa chủ trương tái lập chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thông qua việc lập “hàng rào” thương mại khiến hàng “Made in Vietnam” không dễ vượt qua nếu không có sự thay đổi căn bản trên nhiều phương diện.

Để qua những “cửa ải” khó khăn đó, trước hết, không cách nào khác là ngành Nông nghiệp Việt Nam phải kiên trì tái cơ cấu sản xuất; làm tốt khâu quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tổ chức dự báo thị trường, xúc tiến thương mại ở những khu vực tiềm năng. Các cơ quan quản lý, trực tiếp là chính quyền cơ sở cần có nhiều giải pháp khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn, xử phạt nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, làm xấu hình ảnh nông sản Việt Nam ở thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, để không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường chính là Trung Quốc, cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông phải đồng bộ vào cuộc. Một mặt tiếp tục tranh thủ tối đa thị trường này, giảm dần hàng tiểu ngạch, tăng lượng hàng chính ngạch; mặt khác khai thác tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là các hiệp định thương mại tự do đa phương (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia thành viên hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được ký kết thời gian tới), nhằm mở rộng thị trường theo cả bề rộng và chiều sâu. Đồng thời, cùng với sản xuất theo tín hiệu thị trường còn cần chú ý đến xây dựng, phát triển thương hiệu, thiết kế tem nhãn, bao bì đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, bắt mắt.

Đặc biệt, phải có chính sách hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất quy mô lớn, từ nông trại đến bàn ăn; ưu tiên công nghiệp chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Về phía người nông dân, cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo phong trào bằng hợp tác, liên kết, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng về quy hoạch, quy trình sản xuất an toàn.

Khó khăn nhiều khi cũng là cơ hội cho đổi mới sản xuất. Chỉ khi thực hiện tốt những mặt kể trên, nông sản Việt Nam mới tận dụng lợi thế tối đa trong hội nhập kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nông dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo chỗ đứng vững chắc hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.