Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quyết liệt, kiên trì

Đình Hiệp| 26/11/2018 06:36

(HNM) - Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ với thức ăn đường phố mà còn tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể… xảy ra thời gian qua trên địa bàn Hà Nội là câu chuyện đáng bàn.


Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có hơn 5.210 cơ sở thức ăn đường phố. Các cơ sở ẩm thực không ngừng mọc lên nhưng việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, khiến sức khỏe người tiêu dùng luôn bị đe dọa. Điều đáng nói, việc xử lý vi phạm còn khiêm tốn so với thực tế các vụ vi phạm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra.

Cùng với đó là ý thức thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm của người chế biến, bán hàng còn hạn chế, trong khi đó một bộ phận người tiêu dùng dễ dãi trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn khiến thực phẩm “bẩn” vẫn còn “đất sống”.

Trước tình hình đó, ngày 4-9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20-10-2018, trong đó các mức xử phạt hành vi mất an toàn thực phẩm đã tăng cao hơn nhằm bảo đảm sự răn đe đối tượng vi phạm.

Cùng với đó là các hình phạt bổ sung nghiêm khắc như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn...

Tuy nhiên, cùng với việc tăng mức xử phạt, vấn đề quan trọng hơn là phải rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan. Thực tế hơn 1 tháng triển khai Nghị định số 115/2018/NĐ-CP cho thấy kết quả chưa như mong đợi do nhiều nguyên nhân. Cụ thể là lực lượng chức năng địa phương còn mỏng, chưa quyết liệt, thiếu sự giám sát thường xuyên, thiếu kinh nghiệm, còn tình trạng nể nang…

Trong khi đó, những người sản xuất - kinh doanh thực phẩm vẫn còn tư tưởng đối phó, chỉ chấp hành khi lực lượng chức năng có mặt và sẵn sàng tái phạm khi lực lượng này rút đi.

Để việc thực hiện Nghị định số 115/2018/NĐ-CP có hiệu quả thì trước hết các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất - kinh doanh, biết vi phạm nào sẽ bị xử phạt để thay đổi hành vi.

Tiếp theo, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên; xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm; đồng thời sớm lấp những "lỗ hổng" trong quản lý bằng việc gắn trách nhiệm với người sản xuất - kinh doanh để họ không thể đưa thực phẩm “bẩn” ra thị trường; gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan chuyên trách và chính quyền địa phương để không còn tình trạng "nơi quyết liệt, nơi thờ ơ".

Với người tiêu dùng, cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng khi chỉ lựa chọn những cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp thông tin, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý và sẵn sàng “tẩy chay” những cơ sở vi phạm.

Chỉ khi nào doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu phải dựa trên lợi ích người tiêu dùng thì vấn nạn thực phẩm “bẩn” mới được giải quyết tận gốc.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao. Đây cũng là dịp các "điểm đen" về mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoành hành. Vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của các cơ quan chức năng thành phố trong thực hiện Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, với trách nhiệm được xác định rõ ràng sẽ góp phần ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần quyết liệt, kiên trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.