Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo bước chuyển biến lớn về chất

Nữ Quỳnh| 28/11/2018 06:22

(HNM) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “tam nông”) có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.


Cách đây 10 năm, Nghị quyết số 26-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"...

10 năm qua, hàng loạt chính sách về “tam nông” đã được sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ưu đãi nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, giao thương. Các chính sách thuận lợi cho tích tụ ruộng đất giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Nông dân được quan tâm đào tạo nghề, hướng nghiệp, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và mỗi nông dân, đến nay, nền nông nghiệp nước ta đã có nhiều tiến bộ cả về quy mô, trình độ sản xuất; đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của nước ta; nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân. Nền nông nghiệp của Việt Nam những năm gần đây đang chuyển dần từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Trên cả nước đã có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp đã thiết thực nâng cao đời sống mọi mặt của người nông dân, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực.

Thế nhưng, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực sản xuất vốn chịu rủi ro rất lớn từ thời tiết. Đó là chưa kể cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã “gõ cửa” tất cả các lĩnh vực, bên cạnh những thuận lợi là thách thức, sức ép cạnh tranh rất lớn nếu nông nghiệp, nông dân, nông thôn không có sự thay đổi, thích ứng phù hợp. Trong bối cảnh đó, phát huy đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, trước hết, mỗi người nông dân cần phải chủ động nỗ lực vươn lên, tiếp nhận kiến thức, kỹ năng sản xuất mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Về phía mình, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn vai trò "bà đỡ" trong việc hỗ trợ nông dân trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thực tế, dù Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích, ưu tiên, nhưng lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm, ưu tiên đầu tư, một phần chính là bởi đây là lĩnh vực sản xuất có độ rủi ro cao. Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Phát minh của các nhà khoa học nhiều khi khó ứng dụng và vận hành kém hiệu quả hơn so với sáng kiến của những anh "hai lúa"...

Càng tiến sâu vào Cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này càng cần sự hỗ trợ đắc lực hơn trong mối liên kết với "các nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng,...). Cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế đó để tìm ra những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ "tam nông" hiệu quả hơn nữa. Khi và chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ hiệu quả, sản xuất hàng hóa quy mô lớn thì mới tạo được sự chuyển biến thực sự về chất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo bước chuyển biến lớn về chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.