Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng chất lượng đầu tư

Đình Hiệp| 07/01/2019 06:35

(HNM) - Năm 2018 vừa đi qua với những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Năm qua đặc biệt ghi nhận mức giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.


Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các nguồn lực đầu tư không chỉ là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, mà còn trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, góp phần nâng cao năng suất lao động Việt Nam.

Tuy vậy, từ kết quả thu hút đầu tư năm qua cũng cho thấy, Chính phủ ngày càng quyết liệt hơn trong chọn lựa, có trọng tâm trọng điểm trong thu hút đầu tư. Điều đó minh chứng cho phương châm hành động của Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận cao và hưởng ứng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân cả nước.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thời gian qua hoạt động thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn còn bất cập. Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"… Việc thiếu kiểm soát trong thu hút đầu tư chưa hiệu quả khi một số doanh nghiệp FDI còn gây ra sự cố ô nhiễm môi trường, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với những cơ hội và thách thức do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, khiến áp lực cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, khi nguồn tài nguyên đất đai, lợi thế lao động giá rẻ không còn nhiều do mở cửa thị trường theo cam kết FTA, việc thay đổi nhận thức trong thu hút đầu tư là cần thiết. Theo đó, không chạy theo số lượng, mà cần quan tâm đến chất lượng đầu tư, lựa chọn những dự án có trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, cần ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp thân thiện môi trường, công nghệ cao và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Thu hút các tập đoàn xuyên và đa quốc gia quy mô lớn, có năng lực công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực. Tạo liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia mạng sản xuất của doanh nghiệp FDI.

Để việc thu hút đầu tư hiệu quả không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, và việc chủ động rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý là rất cần thiết. Trước mắt, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư…

Cùng với đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức; xây dựng chính quyền phục vụ, vì doanh nghiệp, người dân thay vì chỉ tập trung mục tiêu quản lý.

Về phía các địa phương, cần tập trung chuẩn bị thật tốt các điều kiện để huy động nguồn lực đầu tư; rà soát lại các quy hoạch (quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị, cụm công nghiệp…) để điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời. Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt các cơ hội để tập trung đầu tư một cách hiệu quả, tránh dàn trải.

Năm 2019 được xác định là năm bứt phá, phương châm hành động của Chính phủ là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả". Với các giải pháp trên, hy vọng rằng chúng ta tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng chất lượng đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.