Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng liên thông, tăng hiệu quả

Đình Hiệp| 14/01/2019 06:34

(HNM) - Phát huy tinh thần “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, năm 2018, TP Hà Nội tiếp tục ghi dấu ấn trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”.


Tăng liên thông để tăng hiệu quả cải cách hành chính là kết quả rõ nét khi thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", đặc biệt tại các xã, phường của Hà Nội. Thay vì phải xếp hàng chờ, rồi chạy đi nhiều nơi, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian đi lại; số lượng hồ sơ được giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ cao, công khai, minh bạch, bình đẳng…

Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố đã từng bước góp phần xây dựng chính quyền điện tử - xu hướng phát triển của một thành phố hiện đại.

Thế nhưng, thực tiễn triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cũng cho thấy còn một số khó khăn, bất cập. Trong đó, cơ chế, chính sách cũng như sự vận hành của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức có nơi, có lúc còn thiếu linh hoạt và chưa thực sự vì người dân. Thủ tục hành chính vẫn thiếu tính liên thông, sự phối hợp thực hiện giữa các đơn vị chưa nhịp nhàng, chặt chẽ, nên kém hiệu quả; có nơi việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục chưa bảo đảm quy trình, thời gian. Cùng với đó, năng lực, trình độ, thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức ở bộ phận "một cửa" còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách nhanh gọn, tiết kiệm và hiệu quả; hướng tới xây dựng môi trường cơ quan hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm là rất cần thiết. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, trước tiên cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, của thành phố về cải cách thủ tục hành chính.

Song song với rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, cần ban hành kịp thời các văn bản pháp quy phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, nên tập trung cải cách những thủ tục hành chính liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân trong các lĩnh vực như: Đất đai, thuế, nông nghiệp, nông thôn, bảo hiểm xã hội...

Tiếp đó, cần hoàn thiện tổ chức, bộ máy bộ phận “một cửa” nhằm bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, quán triệt tới từng cán bộ, công chức, viên chức phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu liên thông các thủ tục và kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Năm 2019, TP Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Vì thế, việc thực hiện tốt mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” để phục vụ người dân theo phương châm “4 công khai” (thủ tục, thời gian, lệ phí, người làm) và “4 hiện đại” (thiết bị công nghệ, con người, quy trình, phương pháp làm việc) sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính; tiếp tục ghi dấu ấn về một chính quyền thân thiện, gần dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng liên thông, tăng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.