Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo miễn dịch từ cộng đồng

Chí Kiên| 17/01/2019 06:39

(HNM) - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, những dịch bệnh mùa đông xuân như sởi, rubella, tay chân miệng, cảm cúm, tiêu chảy... có xu hướng gia tăng. Tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, số ca mắc sởi liên tục tăng là dấu hiệu cảnh báo các ngành chức năng, địa phương và mỗi người dân cần chủ động phòng dịch, bảo vệ cộng đồng.


Cùng với thời tiết mùa đông - xuân, sự gia tăng đi lại trong dịp Tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Trong khi đó, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia và nhiều khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là việc tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi bởi nhiều người vẫn lơ là, chủ quan, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Hệ quả là đa số bệnh nhi mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Thực tế cho thấy, việc khống chế thành công các dịch bệnh truyền nhiễm là do thực hiện tốt công tác phòng dịch, trong đó có tiêm vắc xin phòng bệnh. Vậy, tại sao vẫn có nhiều trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng và nguy hiểm hơn khi đây chính là nguồn ủ bệnh, mang nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Trước hết phải thấy rằng, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận người dân chưa chủ động đưa con em đi tiêm chủng. Đáng nói, tỷ lệ tiêm chủng đạt được thực tế hiện nay thường dựa trên những đối tượng được thống kê, quản lý, trong khi còn không ít trẻ nhập cư chưa được quản lý đầy đủ. Thực trạng này càng phức tạp hơn ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng dân nhập cư lớn và điều kiện sống tại nhiều khu nhà trọ còn thiếu thốn, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm thường có tốc độ lây lan cao, nếu ý thức phòng, chống dịch trong cộng đồng kém sẽ dễ lây nhanh hơn khi có mầm bệnh. Vì thế, việc tạo miễn dịch cộng đồng, tiêm vắc xin đầy đủ, tổ chức tiêm thường xuyên, tiêm bổ sung cho các đối tượng nguy cơ là biện pháp rất quan trọng. Cùng với đó, những nơi biến động dân cư nhiều, khó tiếp cận cần có biện pháp quản lý trẻ nhỏ hiệu quả. Lưu ý, các trường hợp cha mẹ là người ngoại tỉnh về sống tại các đô thị lớn cần đến trạm y tế nơi gia đình chuyển đến để đăng ký tiêm phòng lại, nhằm giúp y tế cơ sở chuẩn bị vắc xin và trẻ nhỏ được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh cần dễ hiểu, dễ nhớ, đến được với người dân, mọi đối tượng. Ngoài ra, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người đang có bệnh truyền nhiễm. Khi có biểu hiện mắc các loại bệnh truyền nhiễm phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời và điều trị thích hợp. Trường học là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh nên cần duy trì nền nếp vệ sinh môi trường tốt để phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ sở y tế không chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, cần chú ý đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới... để tránh nguy cơ xâm nhập các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người.

Biện pháp hiệu quả, lâu dài trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi vẫn là phải tạo miễn dịch cho cộng đồng với sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế, các cơ quan chức năng, địa phương và mỗi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo miễn dịch từ cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.