Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trả lại ý nghĩa của quà Tết

Đan Nhiễm| 21/01/2019 06:32

(HNM) - Tặng quà vào dịp Tết đến xuân về là một nét văn hóa có từ lâu trong đời sống của người Việt cũng như một số nước Á Đông. Nó cũng tương tự việc tặng quà nhau nhân dịp Giáng sinh, năm mới ở phương Tây.


Thấm đẫm tinh thần “uống nước nhớ nguồn” đó, dịp Tết hằng năm, bên cạnh quà của Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo trung ương, địa phương còn trực tiếp đi thăm hỏi, chúc Tết các bậc lão thành cách mạng, gia đình chính sách, người nghèo… Tết Kỷ Hợi 2019, ngoài quà của trung ương, TP Hà Nội đã dành gần 380 tỷ đồng để tặng quà các đối tượng chính sách. Từ nay đến ngày 26-1, các đồng chí lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp tới cơ sở để tận tay trao quà, chúc Tết bà con.

Đó là những món quà Tết ý nghĩa, mang đậm tinh thần nhân văn và đạo lý cao cả của dân tộc ta. Truyền thống này cần được nhân lên và giữ gìn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ấy vậy nhưng sau 30 năm phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường, việc tặng quà Tết đã xuất hiện sự lạm dụng và biến tướng bởi không ít người đi tặng quà dịp này nhằm mục đích vụ lợi; coi quà Tết là của hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, nịnh bợ cấp trên… Không ít người nhận quà cũng có tư tưởng không trong sáng và xem đây là dịp thu “chiến lợi phẩm”. Và thế là hằng năm, cứ đến dịp Tết những món quà có giá trị vật chất lớn với mục đích biếu, tặng Tết được bán ngày càng chạy. Năm sau “rút kinh nghiệm” năm trước, người ta càng săn lùng, tìm kiếm những món quà đắt, “độc” hơn để đi biếu. Vì thế, món quà ngày Tết đã dần tuột khỏi ý nghĩa nhân văn ban đầu của nó. Người không đi tặng quà cảm thấy mình lạc lõng với thời cuộc.

Còn nhớ, năm 1867, quan đại thần Đặng Huy Trứ (1825-1874) viết cuốn sách “Từ thụ yếu quy”, được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên ở nước ta bàn về nạn tham nhũng, trong đó có đề cập đến những quy tắc “từ, thụ” (từ chối - nhận) đối với quan lại phong kiến khi được ai đó tặng quà. Những điều mắt thấy tai nghe được ông chia thành hai mục: Không thể nhận và có thể nhận.

Trong đó, không thể nhận gồm 104 trường hợp, có thể nhận chỉ gồm 5 trường hợp và đều thuộc về mối quan hệ tình cảm trong sáng giữa thày và trò, cha mẹ và con cái, chỉ huy và binh lính,... Ví như việc tặng quà vào dịp lễ hay Tết (nhưng chỉ bằng sản vật bình dị, chứ không nhận tiền bạc), nhân dịp cá nhân hay gia đình có việc đáng vui hay buồn mà có đồ mừng hay chia buồn...

"Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây"... - những nét đẹp đạo lý đó của cha ông rất cần được gìn giữ và tiếp nối để tạo nên nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc trọng nghĩa tình, thủy chung, sau trước. Vấn đề là món quà thể hiện tình nghĩa là thế nào, và việc nhận hay từ chối nên ra sao; tránh lạm dụng “quà Tết” để mưu lợi trái quy định.

Người tặng cần phải tự sửa mình như tiền nhân chỉ dạy, tránh lạm dụng việc tặng “quà Tết” để mưu lợi trái quy định. Người được tặng cũng cần răn mình khi quyết định nhận hay từ chối.

"Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây"... Không thể cấm quyền được cho, tặng quà của công dân, nhưng những quy định về nhận quà của cán bộ, lãnh đạo thì nhiều nước đã có. Nước ta cũng vậy. Mới nhất, ngày 22-12-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TƯ về việc tổ chức Tết, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội. Các địa phương không chúc Tết cấp trên và trung ương… Quy định 08-QĐi/TƯ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cũng nhấn mạnh việc kiên quyết chống "Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi". Nhưng, vấn đề quan trọng đặt ra vẫn là việc thực hiện và giám sát thực hiện quy định.

Việc này không dễ bởi ranh giới giữa nét đẹp truyền thống biếu quà ngày Tết với hiện tượng tiêu cực được “khoác áo” những món quà thật quá mong manh, nhất là khi bằng thủ đoạn tinh vi. Và, người có đủ điều kiện thẩm định chính xác, nhận rõ nhất lằn ranh giới mong manh đó, phát hiện thủ đoạn tặng quà tinh vi của kẻ vụ lợi, không ai khác chính là người được tặng. Vấn đề là họ có đủ liêm chính, chí công vô tư để từ chối những món quà - mà bản thân họ hiểu rõ nhất - đã vượt qua lằn ranh giới tình cảm, mang đầy tính vụ lợi, xin cho. Nếu cương quyết từ chối, trả lại những món quà không trong sáng, chắc chắn, những người cơ hội sẽ không dám đến tặng quà lần thứ 2, thứ 3,... và nhiều lần nữa.

Làm tốt điều đó chính là thực hiện đạo đức liêm chính, chí công vô tư, vì dân phục vụ.

Làm được vậy cấp dưới mới nể phục, tin tưởng và làm theo.Làm được vậy là góp phần trả lại ý nghĩa đích thực của quà Tết.

Hơn thế, làm được vậy chính là góp phần lưu giữ, trao truyền một nét đẹp văn hóa, truyền thống giáo dục đạo đức tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ sau!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trả lại ý nghĩa của quà Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.