Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động từ sớm

Gia Khánh| 28/01/2019 06:57

(HNM) - Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Điển hình là hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; hay lũ lụt liên tiếp xảy ra ở khu vực miền Bắc, trong đó có Đồng bằng sông Hồng - những nơi được coi là vựa lúa của cả nước, làm thiệt hại nghiêm trọng nhiều diện tích trồng trọt.

Diễn biến thời tiết của năm 2019 cũng không là ngoại lệ. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, lượng nước ở khu vực Bắc Bộ thiếu hụt 10-30% so với trung bình nhiều năm. Mực nước trên các sông chính xuống thấp. Hạn hán có thể xảy ra cục bộ ở một số địa phương trong những tháng đầu năm. Và đây cũng là thời điểm sản xuất vụ xuân, một trong hai vụ sản xuất chính trong năm, có ý nghĩa quan trọng tác động đến sản lượng lương thực chung của cả năm.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp từ trước tới nay vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vì thế, trước diễn biến bất thường của "ông trời", ngành Nông nghiệp đã chủ động các phương án ứng phó, như bố trí lịch gieo, cấy phù hợp; phối hợp với ngành Điện lực, Công Thương và các địa phương tổ chức điều tiết nước từ các hồ chứa, hồ thủy điện để đáp ứng lịch gieo, cấy; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với vùng khô hạn... Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhiều giống lúa mới có khả năng chống chịu, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt được nghiên cứu, lai tạo và đưa vào gieo cấy.

Diện tích gieo, cấy vụ xuân 12 tỉnh, thành phố miền Bắc là 602.500ha, trong đó TP Hà Nội có diện tích lớn nhất, hơn 97.800ha. Vì vậy, ngay từ những ngày cuối năm 2018, khi cây trồng vụ đông đang cho thu hoạch, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các huyện đã tập trung cao độ triển khai các giải pháp sản xuất để sẵn sàng cho vụ xuân. Nhất là với nguồn nước phục vụ gieo, cấy, các địa phương đã triển khai hàng trăm trạm bơm tiếp nước từ sông Hồng vào các cánh đồng. Hiện, một số huyện có diện tích lúa lớn đã được ưu tiên cấp nước trước và có tỷ lệ diện tích sản xuất đủ nước cao là Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa...

Từ nay đến sau Tết Nguyên đán dự kiến sẽ tiếp tục có những đợt cấp nước mới để đáp ứng toàn bộ diện tích sản xuất vụ xuân. Vì vậy, công việc sắp tới bà con nông dân cần lưu ý là chủ động nắm thông tin cấp nước; tuân thủ lịch gieo, cấy đã được phổ biến; bố trí cơ cấu giống lúa gieo trồng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; chủ động áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến, hiệu quả như làm mạ khay, cấy máy, cánh đồng lớn liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương, nhất là lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm soát việc sản xuất, tiêu thụ giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngăn chặn, xử lý kịp thời nạn buôn bán hàng giả, kém chất lượng, sử dụng không đúng sản phẩm trong danh mục... Đây là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, một mặt vừa bảo đảm lành mạnh thị trường, mặt khác góp phần quan trọng bảo đảm vụ sản xuất nông nghiệp thắng lợi.

Về lâu dài, để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chủ động nghiên cứu các phương án thích nghi, theo từng kịch bản khí hậu để giảm tác động bất lợi. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên và liên tục lại mang tính tổng hợp, đồng thời nhiều giải pháp, có thể thích nghi trước mắt (như thay đổi biện pháp canh tác, hệ thống nông nghiệp...) hay thích nghi lâu dài (như ứng dụng công nghệ cao vào công tác dự báo khí tượng, thay đổi hệ thống cây trồng, nâng cao quản lý nguồn nước, thực hiện chuyển dịch lao động...). Một sự chủ động chuẩn bị từ sớm, với nhiều phương án sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro, bảo đảm cho một vụ sản xuất thắng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động từ sớm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.