Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng lại để bước tiếp

Hoàng Lê| 08/02/2019 06:22

(HNM) - Xuân Kỷ Hợi đến với Thủ đô cùng nhiều niềm vui. Thành quả của năm 2018 đủ cho người Hà Nội cũng như cả nước hy vọng vào một năm mới 2019 hanh thông, thành công.


Năm qua, Hà Nội đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 7,61%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, cao gấp 2,18 lần so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng (tương đương 5.050 USD/năm)… Vị thế, uy tín của Thủ đô tiếp tục được khẳng định, Hà Nội là điểm đến thân thiện, tin cậy của du khách trong nước và quốc tế.

Ba ngày Tết, bao niềm vui. Những ngày sum họp, quây quần đầm ấm sau một năm bộn bề lo toan. Những giờ phút tận hưởng nét văn hóa ứng xử Hà Nội trở về nguyên nghĩa thanh lịch, văn minh, thú vui thú chơi nào cũng đong đầy xúc cảm thanh cao được gây dựng, bồi đắp qua năm tháng. Người thưa, đường vắng, quanh ta là một Hà Nội khác, trầm mặc và cổ kính, nếp cũ ùa về như một thứ bảo vật chỉ phát sáng rực rỡ nhất trong những ngày này. Xuân gõ cửa từng nhà. Phong tục, lễ nghi theo dòng người hân hoan ra phố, đổ về hồ Hoàn Kiếm đón Giao thừa, dõi theo từng chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Thủ đô. Nếp xưa ẩn chứa trong mâm cỗ tất niên, bên ban thờ gia tiên, giữa những câu chuyện mừng xuân mới, theo bước chân trẻ cùng cha mẹ tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám cảm nhận sự học hay khi đón món quà đầu năm ý nghĩa là những cuốn sách hay được mua ở Đinh Lễ - Tràng Tiền, Phố sách Hà Nội…

Ba ngày Tết đã qua đi nhưng kỳ nghỉ Tết vẫn còn dài, đủ cho người Hà Nội vui hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa Xuân Kỷ Hợi 2019, tới Sóc Sơn dự Hội Gióng, hành hương về Cổ Loa, chùa Hương hay thực hiện những chuyến du lịch ở nơi xa… Đủ để nghỉ ngơi, đủ để lắng lại sau quãng ngày gấp gáp, để tiếp sức cho một năm Kỷ Hợi 2019 với nhiều khó khăn cần đối diện, vượt qua. Lịch sử thì xa, cuộc sống thật gần. Nét đẹp hun đúc từ truyền thống là cơ sở để tự tin bước tiếp, để tin rằng Hà Nội mãi giữ nét son văn hóa Kinh kỳ, nếp thanh lịch thanh cao nhưng cũng sẵn sàng hòa cùng cả nước bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.

Truyền thống tiếp sức cho hiện tại và tương lai. Vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ. Hủ tục và những gì gần với hủ tục đang dần bị loại bỏ. Tháng Giêng không còn nguyên nghĩa “ăn chơi”. Những Hội Lim, Yên Tử, đền Trần… chỉ nên là dư vị cho khí sắc một năm mới học tập, công tác thêm đậm đà mà ngày 7 tháng Giêng sẽ là điểm khởi đầu. Hà Nội sẽ lại nườm nượp người xe, những lo toan, bận rộn chi phối hành vi, sự học, sự làm. Trong hối hả thường nhật rất cần điểm tựa văn hóa truyền thống, sự nhịn nhường, tính khiêm hòa, sự trung thực trong nếp nghĩ, hành động. Những gì được thể hiện, có thể cảm nhận qua Tết Hà Nội nói riêng và Tết Việt nói chung chắc chắn có sức lay động tâm can, cảm hóa con người, dẫn dắt ta ứng xử đúng đắn với đời, với người, góp tâm sức xây dựng đất nước và Thủ đô phát triển bền vững.

Với Thủ đô, như trong thư chúc Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã viết: “Với tình yêu Hà Nội và truyền thống đoàn kết, tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng, đồng bào, đồng chí và chiến sĩ Thủ đô sẽ tiếp tục chung tay đóng góp tâm sức và trí tuệ cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu và khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, vững bước trên con đường đổi mới và phát triển, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội…”.

Lắng lại, suy ngẫm, nhưng quan trọng hơn là cùng có những hành động thiết thực vì cuộc sống an bình, hạnh phúc của mỗi gia đình và vì sự phát triển, đổi mới của Thủ đô nghìn năm văn hiến! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng lại để bước tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.