Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới tư duy, phương pháp

Hoàng Lê| 10/02/2019 06:48

(HNM) - Ngày 15-1-2019, Quyết định số 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 (Đề án) đã được ban hành với mục tiêu chung là: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực...”.

Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Đề án, đáng chú ý là các giải pháp “Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo”, “Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng”, “Xây dựng và triển khai hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao”.

Về cơ bản, đó là những giải pháp nhằm khắc phục sự hạn chế đã được chỉ ra từ nhiều năm nay như, giáo dục đại học Việt Nam có thứ hạng chưa cao, chưa hoàn toàn theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế đất nước; sinh viên hạn chế về khả năng nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu công tác thực tế, cần nhiều thời gian để thích ứng hoặc phải đào tạo lại…

Đề án đưa ra định hướng cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong một giai đoạn cụ thể, nhưng hiệu quả phụ thuộc chủ yếu vào công tác tổ chức triển khai thực hiện của ngành Giáo dục, các ngành liên quan và nỗ lực của các nhà trường. Sự đổi mới, trước hết cần thể hiện ở tư duy, rằng giáo dục đại học không phải là sự nối dài bậc học phổ thông; ngoài cung cấp tri thức, sinh viên cần được bồi dưỡng năng lực hợp tác, khả năng thực hành và tổ chức công việc, được tạo điều kiện để phát huy năng lực nghiên cứu. Nói một cách khác, giáo dục đại học luôn song hành với nghiên cứu khoa học và luôn gắn với giáo dục dạy nghề.

Triết lý giáo dục nói chung không thay đổi, với sinh viên vẫn là học để làm người, học để làm việc và học để biết cách hợp tác, nhưng phương pháp dạy - học cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Sinh viên cần được trang bị kỹ năng tự học, thực hành, tư duy sáng tạo.

Để đạt được điều đó, ngoài cơ chế, chính sách cần có, các nhà trường cần hướng mạnh vào mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy, tìm cách thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, tăng thời lượng dành cho việc học tin học, ngoại ngữ, thực hành…

Nhằm hỗ trợ sinh viên tự học, phát huy năng lực sáng tạo, điều quan trọng là tìm ra cách xây dựng, hoặc hoàn thiện hệ thống thư viện, phòng thí nghiệm hiện đại. Phần việc này nhất thiết phải được đưa vào danh mục ưu tiên và giám sát thực hiện một cách chặt chẽ, minh bạch bởi nếu thiếu những thiết chế đó, rất khó để sinh viên tự học hiệu quả cũng như tiến hành những phần việc phục vụ triển khai ý tưởng nghiên cứu.

Cuối cùng, cần xác định rằng nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là việc thường xuyên, nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về nguồn nhân lực vốn có sự thay đổi nhất định qua các thời kỳ. Việc không dễ, lại liên quan tới sự phát triển của xã hội nói chung nên trách nhiệm thực hiện cần được các doanh nghiệp, cộng đồng chia sẻ.

Nói cách khác, ngành Giáo dục và doanh nghiệp không “đóng khung trách nhiệm” trong việc đào tạo và sử dụng lao động, coi đó là hai phần việc độc lập. Các doanh nghiệp có thể cung cấp kinh phí, tham gia vào chuỗi hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong các nhà trường nhằm bảo đảm có được “sản phẩm” phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy, phương pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.