Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bước đi vững chắc

Chí Kiên| 14/02/2019 06:28

(HNM) - Tin vui dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi 2019 là ngành Du lịch tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là lượng du khách quốc tế đến Việt Nam. Thành quả đáng kể này xuất phát từ những bước đi vững chắc, đột phá của ngành Du lịch và các địa phương.


Trước hết, có thể thấy, nhiều địa phương đã từng bước phát huy được tiềm năng sẵn có, tạo dựng thương hiệu riêng trên tổng thể bức tranh du lịch cả nước. Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, trong đó có việc phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên - văn hóa - lịch sử đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, riêng có, nhất là với khách du lịch nước ngoài.

Điển hình là ở Thủ đô, với lợi thế chiều sâu văn hóa - lịch sử hàng nghìn năm, Hà Nội đã tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chú trọng phát triển ở khu vực nội đô, làng cổ, vùng nông thôn mới, địa danh gắn với lịch sử…

Trên cơ sở đó, điều đáng mừng là quá trình phát triển của ngành Du lịch đang hướng mạnh đến sự bền vững. Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử kết hợp với các yếu tố hiện đại đã đề cao lợi ích cộng đồng, thể hiện rõ vai trò người dân là trung tâm phát triển du lịch.

Cùng với đó, các giải pháp lâu dài được triển khai đồng bộ, hiệu quả như tăng cường xúc tiến du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế… Đặc biệt, hệ thống cơ chế chính sách phát triển du lịch tiếp tục được hoàn thiện, đã từng bước tạo thuận lợi cho du khách, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động này.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện, những con số đạt được chưa phản ánh hết chất lượng phát triển của ngành Du lịch. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, tour, tuyến du lịch; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống địa phương; đa dạng hoạt động xúc tiến du lịch… vẫn là những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.

Đáng chú ý, các địa phương cần tránh phát triển du lịch kiểu chạy theo nhu cầu nhất thời, thiếu tính toán, "tham bát bỏ mâm". Bởi, tình trạng này có tác động tiêu cực, dẫn đến suy giảm hiệu quả, chất lượng và tiềm năng phát triển du lịch.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, ngành Du lịch đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những cách tiếp cận hiệu quả là nghiên cứu thị hiếu du lịch để mang đến những trải nghiệm vừa mới vừa đặc sắc, với mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của du khách. Tuy vậy, điều cần lưu ý là cần tôn trọng tự nhiên, tôn trọng nền văn hóa, tôn trọng di sản, tôn trọng chủ thể của sản phẩm du lịch.

Mọi sự đầu tư, phát triển của ngành Du lịch đều phải hướng về cộng đồng, vì lợi ích lâu dài của người dân. Bởi thế, bản thân mỗi người dân cũng cần nhận thức đầy đủ vai trò của mình, là “đại sứ du lịch” ở nơi mình sinh sống, làm việc.

Đặc biệt, trong khai thác, phát triển du lịch, các cơ quan quản lý phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại điểm đến. Vì thế, trong xây dựng quy hoạch và phát triển dự án du lịch, việc đặt vấn đề bảo vệ môi trường phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thực chất.

Ngành “công nghiệp không khói” đang trên bước đường thể hiện rõ là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Vì vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các ngành, sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, sẽ tiếp tục đem đến niềm hy vọng, sự thịnh vượng, sự hiểu biết và sinh kế cho nhiều người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bước đi vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.