Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn phải là số một

Duy Biên| 15/02/2019 06:30

(HNM) - Năm nào cũng vậy, tai nạn giao thông lại ám ảnh chúng ta vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân. Thông tin đáng mừng là trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (từ ngày 2 đến 10-2), tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với cùng kỳ năm 2018. Song, đây vẫn là vấn đề nhức nhối khi tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông lại gia tăng vào những ngày cuối kỳ nghỉ lễ, mà nổi lên là việc lạm dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm...


Song, đây vẫn là vấn đề nhức nhối khi tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông lại gia tăng vào những ngày cuối kỳ nghỉ lễ, mà nổi lên là việc lạm dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm... Cùng với hàng loạt lễ hội đầu xuân, nhu cầu đi lại của người dân và lưu lượng phương tiện tăng đột biến trong dịp này cũng góp phần gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, nổi lên cả vẫn là câu chuyện ý thức của các chủ thể tham gia giao thông. Lễ hội, du xuân nên mải vui, “quá chén”, thậm chí sử dụng cả chất kích thích; tâm lý ngày Tết dễ xuê xoa, bỏ qua nên không đội mũ bảo hiểm, đèo 3-4 người/xe máy; di chuyển liên tục trên các chuyến du xuân cùng lưu lượng phương tiện dày đặc khiến các tài xế đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng phát sinh trên đường... Tất cả đều dẫn đến những tai họa đáng tiếc đánh đổi bằng cả tính mạng con người.

Trong khi đó, lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng còn hạn chế, thậm chí có nơi có lúc thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm giao thông. Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được sự tăng nhanh về lượng phương tiện, nhất là ô tô như hiện nay…

Mùa lễ hội xuân 2019 mới bắt đầu và còn kéo dài, để góp phần tích cực vào việc giảm các nguy cơ gây tai nạn giao thông, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã có công điện chỉ đạo, yêu cầu triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó quan trọng hơn cả, lực lượng chức năng cần tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền về pháp luật giao thông; coi đây là việc trước mắt, thường xuyên nhưng cũng lâu dài, bền bỉ. Các hình thức tuyên truyền cũng phải đa dạng, phong phú, phù hợp mọi tầng lớp nhân dân; trong đó tập trung tuyên truyền đối với đội ngũ lái xe, người đi xe ô tô, xe máy; nâng cao nhận thức của hành khách trong việc chấp hành các quy định...

Để hiện thực hóa các chỉ đạo, bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tiến hành các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm... đối với người điều khiển phương tiện.

Các địa phương, đặc biệt là nơi có các lễ hội lớn cần tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, tăng cường hướng dẫn thông tin đi lại dịp lễ hội xuân. Đồng thời tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo hợp đồng đến các khu vực có sự kiện lễ hội...

Du xuân, đi lễ hội đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hóa trong đời sống tinh thần của nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi mật độ người và phương tiện tăng đột biến lại chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông. Do vậy, để du xuân đầu năm an toàn, trước tiên mỗi người dân hãy tự bảo vệ tính mạng chính mình và cho người khác bằng việc chủ động nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện trên đường. An toàn là số một. Mỗi người cũng nên chủ động "vui có chừng, dừng đúng lúc" trong các cuộc vui tiệc tùng; kiên quyết không tiếp tay cho các lái xe chở quá số lượng quy định, bắt khách dọc đường... vì sự an toàn của bản thân và xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn phải là số một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.