Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiện lợi, chất lượng

Đình Hiệp| 23/02/2019 06:30

(HNM) - Nằm trong khu dân cư, với diện tích linh hoạt từ 100 đến 300m², các cửa hàng tiện ích ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là xu hướng văn minh thương mại được các doanh nghiệp bán lẻ...

Tiện lợi và văn minh, mô hình này đã “đánh” trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm cơ bản, với dịch vụ tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Quan trọng hơn là nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Nếu như trước đây, người tiêu dùng thường chọn chợ truyền thống thay vì siêu thị bởi sự thuận tiện thì nay các cửa hàng tiện ích cũng tận dụng những ưu thế này để “hút” khách. Với nguồn hàng phong phú, đa dạng, có nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng, sự ra đời của các cửa hàng tiện ích đã, đang góp phần tạo dựng thói quen mua sắm văn minh của người tiêu dùng tại các thành phố lớn.

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, hệ thống cửa hàng tiện ích chưa tiếp cận được đa số người tiêu dùng, mà mới hướng tới những người có thu nhập trung bình trở lên, eo hẹp về thời gian, do khung giá một số mặt hàng còn đắt hơn so với các siêu thị và cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống... Dù vậy, các kết quả khảo sát mới đây cho thấy, mô hình cửa hàng tiện ích là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng thay đổi khi quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện ích đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới. Nếu biết phát huy thế mạnh thì đây sẽ là kênh bán lẻ hiện đại có thể dần thay thế loại hình chợ truyền thống.

Xác định tầm quan trọng của hệ thống cửa hàng tiện ích trong xây dựng thói quen văn minh thương mại, ngày 24-5-2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân. Trong đó, khuyến khích các tổ chức kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử...

Để hoàn thành mục tiêu trên, các sở, ngành thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm theo hướng văn minh, hiện đại; không mua bán tùy tiện, dễ dãi trên vỉa hè, dưới lòng đường; tuyệt đối không tiêu thụ, sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với giải pháp tuyên truyền, thành phố đã lập quy hoạch hệ thống bán lẻ, giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng.

Về phía các doanh nghiệp bán lẻ, cần tạo được sự khác biệt trong cơ cấu hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của các cửa hàng tiện ích. Đặc biệt, chủ động kết nối với nhà sản xuất, nông dân, để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng với giá cả phù hợp đa số người tiêu dùng. Ngoài ra, với các đơn vị bán lẻ quy mô nhỏ cần tạo được sự khác biệt về dịch vụ kinh doanh, hình ảnh, thương hiệu của cơ sở, gắn liền với sự bảo đảm về chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ...

Có như vậy, các cửa hàng tiện ích sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, cạnh tranh với các loại hình kinh doanh truyền thống, để từ đó từng bước xây dựng văn minh thương mại và hình ảnh thanh lịch của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiện lợi, chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.