Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Đình Hiệp| 11/03/2019 06:40

(HNM) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng như phương tiện truyền thông không ngừng phản ánh về


Trong các đối tượng mà “tín dụng đen” nhắm tới, đáng chú ý là những người có thu nhập thấp, làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Lợi dụng việc vay vốn của ngân hàng còn nhiều thủ tục, hệ thống “tín dụng đen” đã đưa ra bẫy"thuận tiện, nhanh gọn và đa dạng các hình thức vay" (cầm đồ, vay không cần thế chấp tài sản, vay lãi ngày, lãi tuần…) để lôi kéo người vay. Nhiều người dân có nhu cầu về vốn sẵn sàng chấp nhận vay với lãi suất “cắt cổ” của các tổ chức “tín dụng đen”.

Mặc dù hoạt động “tín dụng đen” ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hậu quả, nhưng việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này chưa thực sự nghiêm khắc, có sức răn đe mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến “tín dụng đen” không ngừng "vươn vòi bạch tuộc" khắp nơi trên cả nước, gây bất ổn cho xã hội.

Với những hệ lụy đó, việc từng bước ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt mà còn về lâu dài của hệ thống ngân hàng nói riêng, các cơ quan chức năng liên quan nói chung. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp vừa được Ngân hàng Nhà nước nêu ra tại hội nghị bàn cách ngăn chặn "tín dụng đen" diễn ra tại Gia Lai.

Trước tiên cần hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình kinh doanh cầm đồ về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, lãi suất,… nhằm ngăn chặn việc “tín dụng đen” núp bóng hoạt động.

Cùng với đó, Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, cầm đồ để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này.

Một nguyên nhân quan trọng khiến người dân mắc bẫy “tín dụng đen” là sự thuận tiện, nhanh gọn. Vì thế, giải pháp căn cơ lâu dài cần hướng đến là cải thiện cách thức và phạm vi hoạt động của tín dụng ngân hàng - nguồn vốn hợp pháp, để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, hiệu quả.

Trong đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng ngân hàng; cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Cùng với đó, cần khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tăng cường sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có các điểm giao dịch tại hầu hết các xã để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” hiện nay.

Thông tin đáng mừng là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã dành lượng vốn thỏa đáng để triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này.

Với sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền, sự chung tay của toàn xã hội - đặc biệt là ý thức của người dân về những hệ lụy gây ra - nạn “tín dụng đen” sẽ sớm được đẩy lùi ra khỏi đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp trước mắt và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.