Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả trước mắt... hiệu quả lâu dài

Đình Hiệp| 16/03/2019 06:26

(HNM) - Tình trạng quá tải hạ tầng gây ùn tắc giao thông không phải là vấn đề mới tại các đô thị lớn như Hà Nội. Nếu nhìn vào bản đồ quy hoạch của Hà Nội có thể thấy, các tuyến đường, phố nằm trên trục Vành đai 2, 3 luôn chịu nhiều áp lực giao thông, nhất là do tập trung một lượng lớn dân cư, luôn trong tình trạng tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm hoặc thời tiết không thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, việc thành phố Hà Nội triển khai hàng loạt dự án xén vỉa hè, dải phân cách kết hợp chỉnh trang đô thị tại một số tuyến đường, phố thuộc đường Vành đai 2, 3 thời gian qua là giải pháp cần thiết, không chỉ giúp người tham gia giao thông rút ngắn khoảng cách di chuyển, mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Ghi nhận thực tế thời gian qua trên các tuyến đường, phố đã được xén vỉa hè, dải phân cách cho thấy, việc triển khai các dự án này là hợp lý với tình huống cụ thể. Nhờ đó, ùn tắc giao thông đã phần nào được cải thiện, nhất là ở phạm vi cục bộ.

Tuy nhiên, ùn tắc giao thông luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân sống ở khu vực nội thành của Hà Nội. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này cũng đã được các nhà quản lý, chuyên gia phân tích, chỉ rõ. Trong đó, có một vấn đề nan giải được đề cập là do quỹ đất dành cho giao thông còn hạn chế. Tính đến năm 2018, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%). Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, cùng với đó là sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ rất hạn chế...

Trước hết phải khẳng định, thời gian qua, các cấp chính quyền của Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nội đô. Trong đó, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng với đó, thành phố đã huy động tối đa các lực lượng chốt trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm tại những nơi có nguy cơ ùn tắc; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc, qua đó góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...

Việc thành phố triển khai các dự án xén vỉa hè, dải phân cách kết hợp chỉnh trang đô thị không chỉ phần nào giải quyết ùn tắc cục bộ mà còn mang lại diện mạo đô thị mới. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những giải pháp trước mắt, mang tính tình thế, bởi không phải tuyến đường nào cũng đủ rộng để có thể xén hè, dải phân cách. Vì thế, về lâu dài, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông nội đô, thì bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, các ngành chức năng liên quan cần sớm triển khai xây dựng, hoàn thiện các đường vành đai, nâng cấp, mở rộng một số đường trục chính, triển khai quy hoạch và xây dựng thêm các bãi giao thông tĩnh trong thành phố. Việc mở rộng đô thị phải đồng bộ với mạng lưới giao thông, đô thị; tiếp tục cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân, tháo gỡ những nút giao thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Cùng với đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng để người tham gia giao thông hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân cũng hết sức quan trọng.

Giải pháp trước mắt đã phát huy hiệu quả. Nhưng về lâu dài, cần thực hiện những giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn để "mạch máu" không bị nghẽn bởi những "cục máu đông" chuyển từ vị trí này sang vị trí khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả trước mắt... hiệu quả lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.