Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng ngay từ cơ sở

Đỗ Quỳnh Chi| 19/03/2019 06:47

(HNM) - Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.109/1.407 chung cư, nhà cao tầng đang hoạt động thuộc diện chịu sự quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù công tác quản lý lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến, song qua kiểm tra, rà soát đến nay vẫn còn có 27 công trình chung cư, nhà cao tầng chưa khắc phục dứt điểm tồn tại.

Thực tế trên cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung và phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư, nhà cao tầng nói riêng còn nhiều việc phải làm và phải quyết liệt hơn.

Trước hết, chính quyền từ thành phố đến cơ sở phải thực hiện nghiêm Kế hoạch 52/KH-UBND, ban hành ngày 27-2-2019, của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2019. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác quản lý nhà nước trong thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu và xác nhận điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn theo hướng bảo đảm 100% các dự án khu chung cư, nhà cao tầng mới phải thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, thi công theo đúng hồ sơ thiết kế; trước khi đưa vào hoạt động phải được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận, đồng ý nghiệm thu. Những đơn vị, chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà cao tầng nếu không thực hiện đúng phương án phòng cháy, chữa cháy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cần phải xem xét không cấp mới dự án.

Cùng với đó, cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở chủ đầu tư xây dựng, những chủ thể tham gia vận hành, sử dụng nhà chung cư, nhà cao tầng tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy. Với những chủ đầu tư được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự, nhằm răn đe, phòng ngừa, thay đổi “thói quen” bấy lâu nay là “phạt cho tồn tại”. Đồng thời, cơ quan quản lý thường xuyên công khai danh sách các dự án không tuân thủ quy định, chưa được nghiệm thu hạng mục phòng cháy, chữa cháy để nhân dân biết.

Với người dân, khi bỏ tiền mua nhà cần tham vấn các cơ quan chức năng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy xem tòa nhà đó đã được thẩm duyệt phương án phòng cháy hay chưa. Nếu chưa được cấp phép để đưa vào vận hành, cần kiên quyết từ chối, tránh tình trạng "tiền mất tật mang" có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, một trong những nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy hữu hiệu nhất chính là phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Bởi qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ của các khu nhà cao tầng hiện còn rất yếu. Hiểu biết về các kỹ năng phòng cháy, cứu hộ, thoát nạn một cách khoa học của cư dân sống tại các chung cư, nhà cao tầng còn hạn chế. Nguyên nhân trước hết là do công tác phối hợp giữa cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với chủ đầu tư, đơn vị vận hành nhà cao tầng (hoặc ban quản trị nhà chung cư) và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Phòng hỏa hơn cứu hỏa. Công tác phòng cháy, chữa cháy thực hiện tốt từ cơ sở là rất quan trọng, có thể giúp giảm thiệt hại tối đa nếu xảy ra sự cố. Vì thế, tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy cho người dân; đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết; bảo đảm việc phòng cháy ngay từ cấp cơ sở là những việc làm mang ý nghĩa quyết định trong thực hiện các mục tiêu đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng ngay từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.