Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng chỉ số niềm tin

Chí Kiên| 29/03/2019 06:18

(HNM) - Mỗi lần công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều mang đến những cảm xúc trái ngược cho cả người trong và ngoài cuộc. PCI năm 2018 tiếp tục ghi nhận các chỉ số thành phần trên đà khởi sắc với kết quả nhiều địa phương giữ được phong độ hoặc có sự bứt phá ngoạn mục, trong khi không ít nơi vẫn cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.

Điểm đáng chú ý là Hà Nội đã vươn lên thứ 9 - lần đầu tiên vào nhóm 10 tỉnh, thành phố có Chỉ số PCI cao nhất cả nước. Đặc biệt, cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong tốp 10, cho thấy có sự chuyển động mạnh mẽ, là tín hiệu đáng mừng của hai đầu tàu kinh tế với vai trò của mình sẽ tiếp tục có tác động tích cực, toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Với Hà Nội, đây là năm thứ 6 liên tiếp tăng hạng (năm 2013 là 33, năm 2014 là 26, năm 2015 là 24, năm 2016 là 14, năm 2017 là 13). Như vậy, thứ hạng PCI của Hà Nội luôn được cải thiện và có mức tăng ổn định, bền vững. Kết quả này là minh chứng khẳng định sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Những bước đi nổi bật có thể kể đến như năm 2018 và 2019 thành phố chọn chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, thân thiện; triển khai hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội… Đặc biệt, việc đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được tăng cường, duy trì thường xuyên và hiệu quả.

Có thể thấy, điều đáng mừng và quan trọng nhất qua báo cáo PCI năm 2018 là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được duy trì và khơi dậy mạnh mẽ. Niềm tin ấy được thể hiện qua môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng phát triển thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả cải cách hành chính… Về lâu dài, đây cũng chính là những chỉ số mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện tốt hơn nữa.

Với Hà Nội, chính quyền thành phố tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng hình ảnh cơ quan, công chức, viên chức Thủ đô thân thiện; xây dựng chính quyền điện tử phục vụ; tiếp tục hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường; tích cực phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong kết nối, thúc đẩy giao thương kinh tế…

Thực tế cho thấy, PCI là một công cụ thúc đẩy các tỉnh, thành phố phải thấy “sốt ruột” để nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò là đối tác, khách hàng tin cậy của chính quyền địa phương. Mối quan hệ có tính tương hỗ này, nếu bền chặt, minh bạch sẽ tạo ra hiệu quả phát triển bền vững, toàn diện cho mỗi địa phương. Trong đó, doanh nghiệp phải xây dựng niềm tin, nói thẳng, nói thật; chính quyền địa phương phải luôn trong tâm thế “xắn tay áo” để giải quyết triệt để, hiệu quả, đúng pháp luật những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Với những thông tin đã công bố, rõ ràng, cải cách trong PCI đang đòi hỏi thêm những động lực mới. Bên cạnh việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là thủ tục hành chính, thì các địa phương phải thúc đẩy tìm kiếm sáng kiến mới, mô hình mới, theo hướng xây dựng chính quyền kiến tạo. Qua đó, ý nghĩa lớn nhất mang lại là làm tăng chỉ số niềm tin với mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng chỉ số niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.