Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng quên “nhìn ngược”

Hoàng Lê| 04/04/2019 11:17

(HNMCT) - Tuần trước, cộng đồng đã dành sự quan tâm lớn đối với câu chuyện về cậu bé Vì Quyết Chiến, 13 tuổi, ở Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), người đã sử dụng chiếc xe đạp “mất” phanh vượt qua quãng đường hơn một trăm cây số trong chuyến đi với mục đích là về Hà Nội thăm em trai bị ốm, đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.


Chuyện về một cá nhân, xoay quanh điểm nhấn đáng giá nhất là lòng dũng cảm, tình thương yêu mà người anh nhỏ tuổi dành cho đứa em bé bỏng của mình không may bị bệnh, nhưng cũng đặt ra nhiều điều khiến người lớn phải suy nghĩ. Người “nhìn xuôi” ca ngợi tình cảm và lòng dũng cảm ở cậu bé. Nhưng cũng có người “nhìn ngược”, không muốn hành vi đó lặp lại với bất cứ đứa trẻ nào.

Cho đến đầu tuần này, câu chuyện vẫn còn “nóng” trên mạng xã hội. Nếu phải lựa chọn giữa hai luồng ý kiến xoay quanh câu chuyện nói trên, nói gọn lại là ủng hộ hay không ủng hộ hành động của Vì Quyết Chiến, bạn đọc sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Thuận theo lý trí, tạm bỏ qua yếu tố tình cảm rất đáng ghi nhận để “phê bình” cậu bé người dân tộc Thái này bởi một đứa trẻ 13 tuổi thì không bao giờ được phép di chuyển một quãng đường dài đầy bất trắc bằng một chiếc xe đạp cọc cạch mà không có người lớn ở bên? Hay kể lại câu chuyện cảm động đó với ý nghĩa nêu gương, trên cơ sở lấy mục đích cao đẹp của chuyến đi để biện minh cho hành động được đánh giá là rất nguy hiểm?

Nếu dùng dằng với phương án thứ hai, chúng ta sẽ đưa ra nhận định tiếp theo như thế nào khi biết rằng chỉ vài ngày sau khi xuất hiện câu chuyện về Vì Quyết Chiến, trên mạng facebook có thông tin về việc cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội phát hiện và giúp ba cháu bé người dân tộc ở Sơn La “lạc” xuống Hà Nội trở về nhà an toàn? Ở đây không bàn về tính xác thực của thông tin trên mạng về ba cháu nhỏ bị bố mẹ mắng nên rủ nhau bỏ nhà đi, mà lọc ra từ đó sự tương đồng với câu chuyện Vì Quyết Chiến - về bản chất đều là những chuyến đi đầy bất trắc khi không có người lớn ở bên cạnh. Với câu chuyện thứ hai, khi không bị chi phối bởi một lý do cảm động, câu trả lời chắc chắn là không đồng tình rồi.

Gần đây, tại một số tỉnh, thành phố xảy ra những vụ việc gây tổn hại cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em. Trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạn bè và thậm chí là người nuôi dạy bạo hành, thiệt mạng khi bơi ở khu vực không an toàn, sức khỏe bị ảnh hưởng do sử dụng thực phẩm kém chất lượng... Chuyện liên quan tới trẻ em luôn đặc biệt, đằng sau đó bao giờ cũng có bóng dáng của người lớn với ý nghĩa dẫn dắt tư duy, định hướng hành động của trẻ. Từ câu chuyện Vì Quyết Chiến với cái kết rất may là có hậu, và những vụ việc đau xót liên quan tới trẻ em xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên, gần đây nhất (ngày 31-3) là vụ một nữ sinh lớp 7 ở Diễn Châu (Nghệ An) bị các bạn bắt quỳ, đánh, đã đến lúc người lớn cần kiên quyết theo đuổi một cách tiếp cận khác đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Con cháu chúng ta, tùy theo độ tuổi, cần được trang bị kỹ năng phù hợp để có thể độc lập giải quyết vấn đề khi chúng phải đối diện mà không có người lớn ở bên cạnh. Chí ít thì cũng cố giúp để chúng biết những gì được làm và không được làm, biết phải tìm sự trợ giúp của ai, phải nói với ai để tránh được những điều không hay. Khi bạn vô cớ đánh mình thì nên im lặng cho qua hay ngay lập tức báo cho thầy cô giáo biết? Nguyên tắc ứng xử khi tiếp xúc với người lạ như thế nào? Những ai có thể và có quyền đụng chạm thân thể bé? Có phải lao xuống sông để theo tìm quả bóng bị rơi xuống đó hay không? Cần chú ý những gì khi đi từ trường về nhà hoặc ngược lại? Có nên hành động như anh/bạn Vì Quyết Chiến khi ở xa bố, mẹ?...

Hiện nay, khoảng thời gian mà học sinh ở nhà không còn nhiều như trước nữa. Những trẻ học bán trú ăn, ngủ ở trường, sinh hoạt cùng chúng bạn và ở đó, kỹ năng ứng xử trở nên quan trọng. Kỹ năng đó không chỉ giúp trẻ thu xếp ổn thỏa mối quan hệ với bạn bè, với thầy cô giáo, mà còn giúp chúng tự bảo vệ hoặc hạn chế thiệt hại khi tình huống nguy hiểm xảy ra. Bởi vậy, trẻ có quyền được người lớn đáp ứng nhu cầu ngày càng rõ là quan trọng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng quên “nhìn ngược”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.