Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm hơn, đồng bộ hơn

Mai Lâm| 08/04/2019 06:25

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng trưởng chậm lại, cùng với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn tiếp tục đà phát triển trên nhiều lĩnh vực trong quý I-2019.


Đó là tín hiệu rất tích cực, khẳng định niềm tin vào những chính sách mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã kiên trì, chủ động thực hiện trong thời gian qua.

Kết quả đó cho thấy, một mặt các chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc ngay từ đầu năm, đặc biệt là trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Tuy nhiên, mặt khác vẫn phải nhắc lại yêu cầu không hài lòng, “ngủ quên” với những kết quả đạt được. Bởi, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, một số văn bản chưa sát thực tế, khó thực hiện, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn. Việc triển khai các giải pháp thúc đẩy các lĩnh vực mới của nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế chia sẻ còn chậm.

Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ chưa quyết liệt, thiếu giải pháp cụ thể. Trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố, bên cạnh những tiến bộ về môi trường kinh doanh, cũng nêu rõ những bất cập về chi phí không chính thức, sự chậm trễ, trì trệ còn xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành…

Đó là những trăn trở không chỉ của Chính phủ mà còn của doanh nghiệp, người dân, một lần nữa đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm cao hơn trong thực thi các giải pháp để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Có làm được việc này hay không, trước hết phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ công bộc từ trung ương tới địa phương. Cán bộ, công chức có trách nhiệm, bộ máy hành chính mới bảo đảm sự vận hành thông suốt, hiệu quả; bảo đảm đúng tinh thần phục vụ nhân dân, doanh nghiệp thay vì “trên trải thảm, dưới rải đinh” hay “trên nóng, dưới lạnh”, từ đó có những hành vi không đúng mực, phản cảm, "tham nhũng vặt" gây bức xúc xã hội.

Tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” phải được đẩy mạnh, bởi lẽ chỉ khi dám nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật mới có thể tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề phức tạp nội tại, loại bỏ “rào cản” phát triển. Nhìn vào bảng xếp hạng PCI vừa được công bố và giải pháp để đạt được tiến bộ của một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội có thể thấy rõ điều đó.

Từ kết quả chỉ số PCI năm 2017 với một số chỉ số thành phần như: “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, “Chi phí gia nhập thị trường”… thấp, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai giải pháp khắc phục, mà điển hình là duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Với sự nỗ lực đó, năm 2018, Hà Nội tiếp tục thăng hạng, lần đầu lọt vào tốp 10 cả nước.

Hơn thế, môi trường kinh doanh thuận lợi đã giúp thành phố tạo bứt phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả đó cũng chính là minh chứng khẳng định tinh thần “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị” đã, đang thực sự ngấm sâu, lan tỏa từ thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Như vậy, việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra là hết sức cần thiết. Trong đó, một trong những trọng tâm là: Xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Thực hiện tốt điều đó, quyết liệt đẩy nhanh, đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù mỗi địa phương sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Giải pháp đã khẳng định sự đúng đắn, phát huy hiệu quả, vấn đề là cần sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ hơn nữa để tạo môi trường thuận lợi cho bứt phá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm hơn, đồng bộ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.