Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ

Duy Biên| 19/04/2019 06:28

(HNM) - Từ năm 2014, theo Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21-4 hằng năm chính thức được chọn là Ngày sách Việt Nam. Đây không chỉ là niềm vui của giới xuất bản và những người yêu sách mà còn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống cộng đồng.


Qua 5 năm tổ chức, Ngày sách Việt Nam đã phát huy sức lan tỏa mạnh mẽ và thật sự trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Trong đó có thể thấy, các địa phương đã tích cực tổ chức chuỗi các sự kiện liên quan đến Ngày sách với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Đến nay, thông qua hoạt động này, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các nhà trường, cho học sinh nghèo; tổ chức được trên 240 nghìn hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc. Bên cạnh đó, 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, với nhiều hoạt động phong phú nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa tinh thần của sách, thu hút đông đảo người dân tham gia...

Giữa thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, dư luận cho rằng công nghệ sẽ lấn át văn hóa đọc truyền thống thì mạch nguồn của văn hóa đọc vẫn tồn tại theo cách riêng của nó. Và như đã thấy, Ngày sách Việt Nam đã thật sự tạo được không gian và môi trường văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho cộng đồng, nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều tầng lớp xã hội.

Tuy vậy cũng phải thừa nhận rằng, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ nghe, nhìn đã phần nào lấn át thói quen đọc sách của nhiều người, nhất là lớp trẻ. Dễ nhận thấy nhất là ở góc đọc sách của văn phòng đoàn thanh niên các địa phương có khá nhiều cuốn sách nhưng không nhiều bạn trẻ ngồi đọc. Không ít gia đình lãng quên việc mua sách, sao nhãng việc khuyến khích, hướng dẫn con em đọc sách, học tập và làm theo sách… Bởi vậy, việc thúc đẩy văn hóa đọc cần được tiến hành trong cộng đồng, ngay ở mỗi gia đình nhằm phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Xây dựng văn hóa đọc, trước hết cần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Do vậy, trước tiên, nhà trường, tổ chức đoàn, hội có vai trò quan trọng giúp các bạn trẻ tiếp thu kiến thức, cảm nhận cái hay, cái đẹp mà sách mang lại. Bên cạnh đó, mỗi gia đình, các bậc cha mẹ nên làm gương trong việc đọc sách, đồng thời hướng dẫn con em biết chọn sách, tạo cho các cháu thói quen coi sách là sản phẩm, món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày.

Ngoài ra, để tôn vinh giá trị và khẳng định vai trò của sách trong đời sống xã hội, đồng thời tôn vinh những người đọc và tham gia lưu giữ, quảng bá sách, các thư viện công cộng cần không ngừng cải thiện cả về chất lượng, số lượng đầu sách cũng như khâu phục vụ, thu hút bạn đọc. Bên cạnh đó, trong thời đại truyền thông số, để duy trì văn hóa đọc, cần phải kết nối và phát triển song song việc xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử trong hệ thống các nhà xuất bản. Cùng với việc xuất bản sách truyền thống thì các nhà xuất bản cần nhạy bén, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử.

Có thể thấy, từ mua sách, đọc sách đến xây dựng và phát triển văn hóa đọc đúng nghĩa là cả một hành trình dài mà không phải cứ “trống giong, cờ mở” là trở thành hiện thực. Hoạt động này cần bền bỉ, lâu dài và có các cách làm phù hợp. Trong đó, thông qua Ngày sách Việt Nam sẽ tạo thành một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, giúp người dân yêu thích, chủ động tìm sách, đọc sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.