Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh tay hơn nữa

Duy Biên| 10/05/2019 06:05

(HNM) - Bơm tạp chất vào tôm đã xuất hiện ở nước ta từ lâu, dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Thậm chí, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đã trở thành

Đáng lo ngại là việc bơm tạp chất không chỉ diễn ra tại các vùng nuôi tôm mà cả ngay ở những thành phố có sức tiêu thụ lớn. Tại thành phố Hà Nội, thời gian gần đây lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt quả tang một số cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm khiến người tiêu dùng không thể không lo lắng.

Thông thường, sau khi bơm tạp chất, trọng lượng tôm sẽ tăng từ 10 đến 20%. Với giá tôm cao, việc bơm tạp chất vào tôm trở thành món lợi nhuận lớn khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh tôm bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi này. Không chỉ mất tiền, khi sử dụng tôm có bơm tạp chất, người tiêu dùng có nguy cơ bị ngộ độc và mắc một số chứng bệnh như: Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, suy gan, suy thận… Xét theo khía cạnh đạo đức, đây là hành động đáng bị lên án.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi bơm tạp chất vào tôm, tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người thực hiện hành vi này hiện nay có thể bị xem xét xử lý theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999, trong đó với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 3 đến 10 năm, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm...

Để ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên phạm vi cả nước, ngày 13-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2419/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng các bộ, ngành liên quan xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý theo luật hình sự...

Tuy vậy, đáng tiếc là thời gian qua, các vụ vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, hoặc theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” nên chưa đủ sức răn đe. Đây chính là kẽ hở để nhiều người vẫn cố tình vi phạm, thậm chí không ít cơ sở sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm.

Rõ ràng, để hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng bơm tạp chất vào tôm, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi này. Trước hết là phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân còn hám lợi bất chính, từ đó chấm dứt hành vi sai phạm. Ngoài ra, cần hướng dẫn để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất để không mua, sử dụng. Nhưng, quan trọng và có ý nghĩa quyết định là phải thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm để phát hiện, ngăn chặn “tôm bẩn” có thể tuồn ra thị trường. Việc kiểm tra, xử lý phải được thực hiện nghiêm túc thông qua biện pháp rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, kiến nghị xử lý hình sự… thay vì chỉ xử phạt hành chính. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng, hỗ trợ xây dựng, thực hiện, giám sát chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ.

Đã đến lúc phải mạnh tay hơn, quyết tâm hơn vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.