Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay giải quyết “ô nhiễm trắng”

Đình Hiệp| 13/05/2019 06:36

(HNM) - Trong một lần đi siêu thị tại Hàn Quốc, người viết bài này khá ngạc nhiên khi tại quầy tính tiền, nhân viên không phát túi ni lông để đựng đồ như các siêu thị ở Việt Nam, mà khách hàng phải trả tiền mua nếu có nhu cầu. Có lẽ, cũng vì thế, hầu hết khách hàng đến đây mua sắm đều mang theo túi vải hoặc sử dụng hộp các tông (miễn phí) để đựng đồ.


Hạn chế rồi tiến tới cấm sử dụng túi ni lông khó phân hủy - “thủ phạm” chính gây ra rác thải nhựa - đã được Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác áp dụng như một giải pháp “tận gốc” để giảm việc xả rác thải nhựa ra môi trường.

Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến dư luận không khỏi giật mình khi cho biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng). Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Còn khi đốt ni lông sẽ tạo khí thải chứa dioxin và furan, là những chất kịch độc.

Vậy, tại Việt Nam thì sao? Chúng ta đã và đang làm gì để giải quyết thảm họa “ô nhiễm trắng” - như cách gọi của các nhà khoa học về ô nhiễm do túi ni lông gây ra đối với môi trường hiện nay?

Từ lâu, túi ni lông đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Nó gắn với thói quen cố hữu của hầu hết các bà nội trợ. Với nhiều ưu điểm như bền, chắc, tiện dụng và giá rẻ, túi ni lông được sử dụng phổ biến và có mặt khắp mọi nơi. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 túi ni lông/ngày.

Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường. Song, điều đáng buồn là chỉ một phần nhỏ trong số đó được thu gom, tái chế, còn lại phần lớn chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi.

Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống đã rõ, song việc xử lý chúng như thế nào là điều không đơn giản. Trên thực tế, chúng ta vẫn loay hoay trong việc tìm ra các sản phẩm thay thế túi ni lông, với giá rẻ hơn, tiện lợi hơn. Việc thay đổi nhận thức của nhà sản xuất (vì lợi ích trước mắt) cũng như thói quen tiêu dùng (vì sự tiện lợi) không hề đơn giản khi chưa có quyết tâm cao của các cấp, ngành liên quan cũng như sự chung tay của mỗi người dân.

Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Trong đó, tất cả đô thị loại đặc biệt và loại 1 có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị…

Để giải quyết bài toán trên rõ ràng cần có sự chung tay của toàn xã hội, chứ không riêng gì bộ, ngành nào. Theo đó, một loạt giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn. Đó là sửa đổi các văn bản luật liên quan đến vấn đề rác thải nhựa. Trong đó, phải sớm có được công nghệ xử lý rác thải nhựa phù hợp với điều kiện của Việt Nam; có phương pháp kiểm soát, giám sát xã hội, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và sử dụng chất thải nhựa, túi ni lông một cách hợp lý. Cùng với đó là khuyến khích các công ty sản xuất bao bì nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm thay thế túi ni lông thân thiện với môi trường.

Trước những thách thức do vấn nạn “ô nhiễm trắng” gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư kêu gọi chung tay hành động vì một "Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra". Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội.

"Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa", Thủ tướng kêu gọi.

Để hạn chế những tác hại do “ô nhiễm trắng” gây ra thì việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông là hết sức quan trọng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, mỗi người dân hãy lập tức hành động, trước hết là giảm, tiến tới là không sử dụng túi ni lông.

"Tổ quốc Việt Nam xanh ngát. Có sạch đẹp mãi được không. Điều đó tùy thuộc hành động của bạn. Chỉ thuộc vào bạn mà thôi".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giải quyết “ô nhiễm trắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.