Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất

Chí Kiên| 17/05/2019 06:27

(HNM) - Con số đáng chú ý là tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo vượt so với kế hoạch hơn 300 trường học. Tuy vậy, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, nhất là khu vực nội thành nên vẫn gây áp lực không nhỏ về chỗ học tập cho học sinh.


Chỗ học cho con trẻ, từ lâu, là nỗi lo lắng của không ít bậc phụ huynh, mỗi khi vào đầu năm học mới. Đây cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của các cấp, ngành chức năng là phải làm thế nào để mở rộng quy mô trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh trong điều kiện nơi thiếu đất, chỗ thiếu tiền... Nhìn vào thực tế không thể không "sốt ruột" khi những năm gần đây, hằng năm, số lượng học sinh "đầu vào" mỗi cấp học luôn tăng hàng chục nghìn em.

Nhiều nơi, cấp tiểu học, trung học cơ sở, sĩ số một lớp học lên đến 60 học sinh, thậm chí cao hơn; rồi phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có để "nới" quy mô trường, lớp... Thực tế, những giải pháp này chỉ mang tính tình thế, trong ngắn hạn; phần nào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nếu các nhà trường không chủ động rà soát cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, dự tính dự báo, bảo đảm an toàn cho học sinh... ngay từ đầu năm học.

Rõ ràng, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở thêm trường học mới hoặc cải tạo, tăng thêm số phòng học thì tình trạng quá tải sẽ vẫn căng thẳng. Vì vậy, trước mắt, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các trường, lớp học nằm trong kế hoạch năm 2019 để kịp thời đưa vào phục vụ năm học mới 2019-2020.

Về lâu dài, các địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch trường lớp, khắc phục việc ở một số nơi xây dựng trường học chưa phù hợp dẫn đến "nơi thừa, nơi thiếu"; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác... Đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy, xí nghiệp trong diện phải di dời, bàn giao mặt bằng cho địa phương, ưu tiên quỹ đất xây trường học.

Đặc biệt, trong quá trình rà soát, hoàn chỉnh “Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các địa phương, ngành chức năng cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển ở từng khu vực. Theo đó, những việc cụ thể, trước hết và quan trọng phải trả lời được là còn thiếu bao nhiêu trường học, thiếu ở khu vực nào; quy mô mở rộng, phát triển trường, lớp học tương ứng từng năm, từng giai đoạn; quỹ đất xây dựng trường học... Những giải pháp, nhóm giải pháp đi kèm việc thực hiện bảo đảm tính khả thi, phù hợp bối cảnh hiện nay; đặc biệt phải tính toán, có giải pháp huy động được nguồn lực xây dựng trường, lớp học (cả ngân sách và xã hội hóa)... Những việc này càng phải được quan tâm đối với vùng lõi đô thị và những huyện thời gian tới sẽ trở thành quận, những địa phương còn nhiều khó khăn, xa trung tâm...

Việc cần lưu ý nữa là phải khắc phục cho được tình trạng khu đô thị, nhà chung cư mọc lên rất nhanh nhưng lại "trắng" trường học. Nếu chủ đầu tư chây ỳ hoặc không quy hoạch xây dựng trường học cần có biện pháp xử lý nghiêm như thu hồi dự án; hoặc phải quy hoạch được trường học mới cho khởi công xây dựng dự án... Cùng với đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các đơn vị tư nhân xây dựng, mở rộng thêm các trường học dân lập bảo đảm chất lượng, phù hợp nhu cầu người học ở từng địa bàn dân cư.

Với sự vào cuộc trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành chức năng, chắc chắn cơ sở vật chất của ngành Giáo dục Thủ đô sẽ từng bước hoàn thiện, qua đó bảo đảm cơ hội hưởng thụ bình đẳng về điều kiện học tập cho học sinh trên địa bàn thành phố. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.