Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực ngay từ hôm nay

Minh Thúy| 31/05/2019 06:15

(HNM) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong (tương đương mỗi ngày có hơn 110 người chết) vì những bệnh liên quan tới hút thuốc gây nên...

Ngoài việc đã "đốt" một khoản chi phí khổng lồ do những ca bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên, thì thuốc lá còn gây ra những tác hại dài lâu, cho nhiều thế hệ. Không chỉ đầu độc chính người hút, như kẻ giấu mặt, khói thuốc lá gây tác hại khôn lường cho cả người không hút. Một con số nghiên cứu cho thấy điều đáng lo ngại là tại Việt Nam, khoảng 38 triệu người không hút thuốc, nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và nơi làm việc...

Là địa bàn có dân số đông, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trụ sở..., Hà Nội càng phải đối mặt với "kẻ giết người thầm lặng" - khói thuốc lá. Hạn chế tác hại từ nguồn độc hại này, những năm qua, Hà Nội đã đưa nội dung cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế, nội quy hoạt động của các cơ quan; gắn biển cấm hút thuốc tại điểm công cộng; các bệnh viện ở Hà Nội nói không với thuốc lá... Với nỗ lực này, chuyển biến đã có, nhưng chưa đồng đều, chưa bền vững.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, công dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không khói thuốc lá. Vì thế, xây dựng một môi trường không khói thuốc lá là đòi hỏi từ thực tiễn và cũng là xu hướng chung của xã hội văn minh, hiện đại. Song, đây là thách thức không nhỏ cả trước mắt và lâu dài!

Để góp phần hóa giải thách thức, điều đầu tiên là thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Đó là những quy định rất cơ bản như nghiêm cấm việc mua, bán, cung cấp, sử dụng thuốc lá với người chưa đủ 18 tuổi hay nghiêm cấm việc hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm... phải được thực hiện nghiêm. Đồng nghĩa với việc phải tăng cường lực lượng thực thi, giám sát để bảo đảm mọi vi phạm đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Cùng với đó, vai trò của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc này cần thể hiện rõ hơn, trách nhiệm hơn và hơn hết là phải trên tinh thần tự giác. Mỗi chủ thể hãy thực hiện những điều pháp luật cho phép như nhắc nhở người hút thuốc lá không hút tại nơi cấm hút; vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng và từ bỏ thuốc lá; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người hút thuốc lá nếu vi phạm...

Mục tiêu của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá là nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng tăng. Vì thế, ngành Y tế cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, tư vấn về tác hại của thuốc lá ở tất cả các cấp trong hệ thống y tế tới người dân. Ngoài ra là hỗ trợ người sử dụng thuốc lá tiếp cận các sản phẩm cai nghiện hoặc thay thế để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người xung quanh...

Để việc phòng, chống tác hại của thuốc lá lan tỏa, việc tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm là rất cần thiết. Ví như, mỗi trường học, đoàn thanh niên các cấp nên có chương trình, hành động cụ thể nói không với thuốc lá... Và quan trọng là bản thân người hút thuốc lá phải có ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Vì một xã hội văn minh không thuốc lá - Đó là nỗ lực mà mỗi chủ thể cần làm ngay từ hôm nay!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ngay từ hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.